Tài chính

Liên tục kêu khó, Tổng công ty Đường sắt làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2019?

(VNF) - Tình hình kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) không mấy khả quan nếu xét riêng công ty mẹ.

Liên tục kêu khó, Tổng công ty Đường sắt làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2019?

Liên tục kêu khó, Tổng công ty Đường sắt làm ăn ra sao trong nửa đầu năm 2019?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2019 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), doanh thu của "ông trùm" ngành đường sắt này đạt 4.619 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, giảm không đáng kể, chỉ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VNR đạt 53,2 tỷ đồng, bằng chưa đầy một nửa kỳ trước.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của VNR đạt 165 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình "bi đát" hơn nhiều nếu xét riêng công ty mẹ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ năm 2019, Công ty mẹ - VNR chỉ ghi nhận 574 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 40,1 tỷ đồng, giảm 30%.

Doanh thu tài chính không mấy khả quan khi đạt 7,9 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 mức đạt được kỳ trước.

Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 7,5 tỷ đồng và đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 30,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty mẹ - VNR chỉ còn vỏn vẹn gần 11 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1/4 mức cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, lãnh đạo VNR liên tục kêu khó, nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành đường sắt.

Tại một buổi tọa đàm tổ chức gần đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT VNR cho biết hiện nay đầu tư cho kết cấu ngành đường sắt rất ít, duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ vốn ngân sách chỉ đáp ứng 30-40%.

"Cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt đang như 'thân thể già nua'. Kể cả về khoa học kỹ thuật lạc hậu, lẫn tài sản hữu hình hiện hữu", ông Minh nói.

Thứ hai, theo ông Minh, ngoài nguồn lực ra còn có cơ chế chính sách.

Đối với phương thức vận tải khác, ví dụ như hàng không đường cất hạ cánh của Nhà nước, còn nhà ga sân đỗ của quốc phòng. Đối với hàng hải, luồng tàu, đèn biển của nhà nước, cảng biển dịch vụ của doanh nghiệp. Đối với đường bộ, đường của nhà nước, bến tàu, bến xe, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhưng với đường sắt, cả kết cấu hạ tầng, nhà ga kho bãi đều của Nhà nước. Điều đó rõ ràng tồn tại 2 cơ chế.

"Luật Đường sắt sửa đổi đã cho phép kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp cho thuê tại các khu ga nhưng cho ai kinh doanh, có thể kinh doanh được không nó phụ thuộc vào quyền kinh doanh. Tổng công ty Đường sắt được giao toàn bộ quản lý khai thác tài sản này nhưng lại không phải vốn của đường sắt, tài sản của đường sắt quản lý cho nhà nước", Chủ tịch VNR cho hay.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - VNR lên đến trên 14.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 10.000 tỷ đồng trong số đó không phải vốn của VNR mà được hạch toán riêng vào khoản mục "Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định".

Tin mới lên