Tài chính

'Liệu có bất thường khi kinh tế thế giới đi xuống, Việt Nam lại tốt lên?'

(VNF) - Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại: "Trong khi tình hình kinh tế thế giới nhìn chung kém đi đặc biệt các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong đó có Trung Quốc, thì riêng Việt Nam lại tốt lên. Xu hướng tươi sáng này liệu có vấn đề, có bất thường trong điều kiện hiện nay?".

'Liệu có bất thường khi kinh tế thế giới đi xuống, Việt Nam lại tốt lên?'

Ngày 14/3/2016, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã công bố "Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015", cung cấp bức tranh tổng thể về thị trường tài chính và tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô năm qua.

Theo NFSC, năm 2015, các nền kinh tế thế giới kể cả phát triển và mới nổi đều tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo; khối lượng thương mại luân chuyển đạt mức thấp, giá hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu dầu thô và nông sản giảm mạnh, chính sách tiền tệ (lãi suất và tỷ giá) ở nhiều quốc gia và khu vực biến động mạnh.

"Diễn biến này ảnh hưởng lớn đến thương mại và đầu tư tài chính của Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là một trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất (6,68%)", theo NFSC.

"Điểm nổi bật trong năm qua của nền kinh tế Việt Nam là thành tựu kép, kiểm soát được lạm phát (0,63%), trong khi vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, qua đó đã tạo được tâm thế mới, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững sau này", Tiến sỹ Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam nhận định.

Cũng theo báo cáo, hạ tầng tài chính Việt Nam được củng cố tích cực với việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể 11 tổ chức tài chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường quản trị rủi ro.

Năm 2015, gần 800 nghìn tỷ đồng tương đương gần 19% GDP đã cung ứng cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường vốn.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhìn nhận, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế chưa có động lực tăng trưởng bền vững, trong đó, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI; nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách nhà nước lớn.

"Mặc dù các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là động lực để phát triển, tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào FDI. Như vậy, chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, đặc biệt là trong năm 2015", ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại: "Trong khi tình hình kinh tế thế giới nhìn chung kém đi đặc biệt các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong đó có Trung Quốc, thì riêng Việt Nam lại tốt lên. Xu hướng tươi sáng này liệu có vấn đề, có bất thường trong điều kiện hiện nay?".

"Mặc dù tăng trưởng kinh tế 2015 nhìn chung là tốt tăng từ 6,2% lên 6,68%, tuy nhiên, trong đó phần đóng góp lại nghiêng về FDI, còn kinh tế nội địa lại yếu hơn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào tăng trưởng FDI cao để giữ thành tích thì tăng trưởng như vậy là không bền vững", ông Thiên khẳng định.

Còn theo ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng ta có thể hồ hởi trước kết quả FDI nhưng phải đề phòng vì xu hướng hồ hởi ấy sẽ qua đi, khi dòng vốn đang ngày càng rút mạnh ra khỏi các nước đang phát triển, dư âm của khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa được khắc phục.

"Thế giới trong vòng một quý đã phải thay đổi dự báo tăng trưởng, do đó, chúng ta cũng cần phải theo xu hướng này để dự báo các động kinh tới nền kinh tế Việt Nam chính xác hơn", ông Thúy nói.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cải thiện do các hiệp định thương mại tự do được ký kết và triển khai thực hiện. Ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì; hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều triển vọng, cả về tăng trưởng cũng như huy động vốn; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp (dưới 3%).

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro như giá nguyên liệu và hàng hóa chủ chốt vẫn biến động thất thường, tốc độ cổ phần hóa, tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực còn chậm,...Ủy ban dự báo, mức tăng trưởng kinh tế 2016 của Việt Nam đạt khoảng 6,7%-6,8%, CPI khoảng từ 3%-3,5%.

Tin mới lên