Diễn đàn VNF

Liệu Việt Nam có thoát khỏi 'lời nguyền 2.000 USD'?

(VNF) - 'Lời nguyền 2.000 USD' là cách ví von để nói về một hiện tượng có thật trong nền kinh tế thế giới, theo đó các quốc gia sau khi đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục là rất khó khăn.

Liệu Việt Nam có thoát khỏi 'lời nguyền 2.000 USD'?

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính ngân hàng.

Bình luận về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng chu kỳ tăng trưởng đi lên sẽ không còn kéo dài lâu và điều này nằm trong quy luật vận hành của kinh tế thế giới.

Trước mắt, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng, ít nhất đến hết quý III/2018, nhưng về lâu dài, chúng ta đang bước vào một chu kỳ giảm tăng trưởng, khi thu nhập bình quân đầu người đã ở mức trên 2.000 USD trong vòng 3 - 4 năm nay. Khi đạt được ngưỡng này, theo quy luật thì tăng trưởng cao về lâu dài sẽ giảm.

Thế giới đã chứng kiến việc Trung Quốc, Hàn Quốc cũng chỉ kéo dài được tăng trưởng cao trong 5-6 năm sau khi đạt mốc này, còn Malaysia, Thái Lan thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm ngay khi đạt được mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD.

"Các nhà đầu tư đang băn khoăn không biết chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam sẽ kéo dài được bao lâu? Nếu nhìn rộng ra, nhìn vào các nước trong khu vực thì chúng ta không thể ảo tưởng rằng GDP những năm tới có thể đạt 8-9% hay 10%, mà chỉ nên kỳ vọng nó không xuống quá thấp, và tốt nhất là được như Trung Quốc, xuống từ từ", ông Nghĩa nói.

Ngoài những vấn đề mang tính quy luật với kinh tế thì ở Việt Nam còn một vấn đề rất đáng lo ngại đó là tiềm năng của doanh nghiệp Việt vô cùng yếu. Cái yếu này không chỉ là bề nổi, là tiềm lực kinh tế, tài chính mà cái yếu thể hiện sâu sắc ở văn hoá doanh nghiệp. 

"Nhiều chủ doanh nghiệp miệng phì phèo xì gà, đi xe triệu đô nhưng chưa biết ngày mai doanh nghiệp mình sẽ đi đâu về đâu. Theo tôi, vai trò của Chính phủ ở đây chính là khắc phục những yếu kém mang tính văn hoá nêu trên của cộng đồng doanh nghiệp Việt", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề nữa khiến chuyên gia lo lắng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là hình ảnh toàn cầu hoá đang dần mai một, vai trò của WTO trở nên "nhạt nhòa". 

"Tại Hội nghị G20 mới đây, hoàn toàn không thấy có từ nào về "toàn cầu hoá", có chăng chỉ còn thấy nói tới thương mại công bằng. Điều này đang dẫn tới lo ngại là chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt, "đòn gió" cũng có nhưng rồi sẽ có những "đòn thật". Chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới cả chiến tranh tiền tệ. Trong khi trên bình diện toàn cầu, hiện không thấy cường quốc nào cho thấy năng lực và trách nhiệm giữ vai trò dẫn dắt", ông nói.


Tin mới lên