Tài chính

'Lính mới' AAT trên sàn HoSE: Dấu ấn từ vị chủ tịch xuất thân nhà binh

(VNF) - Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 38%, đến nay ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa đã xây dựng lên một đế chế cả nghìn tỷ đồng.

'Lính mới' AAT trên sàn HoSE: Dấu ấn từ vị chủ tịch xuất thân nhà binh

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa

Ngày 24/3 tới, 34,8 triệu cổ phiếu AAT của Tiên Sơn Thanh Hóa sẽ chính thức được niêm yết giao dịch trên sàn HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM).

Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động 20% thì dải vốn hóa thị trường của AAT sẽ nằm trong khoảng 295,1 tỷ đồng đến 442,6 tỷ đồng.

Cách đây nhiều năm, hồi tháng 8/2015, Tiên Sơn Thanh Hóa từng nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tuy nhiên đã xin rút hồ sơ với lý do để hoàn thiện các thủ tục tài liệu vào tháng 3/2016.

Vị chủ tịch xuất thân nhà binh

Nhắc đến Tiên Sơn Thanh Hóa, không chỉ những người dân bản địa, những người lao động địa phương mà ngay cả những doanh nhân gạo cội cũng đều nhớ đến người sáng lập, người giữ trọng trách chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Xuân Lâm.

Ông Lâm nổi tiếng ở xứ Thanh nhờ việc đem lại nhiều việc làm, lợi ích và cải thiện đời sống của không ít người lao động nơi đây. Thêm vào đó, ông còn nổi tiếng là người không chịu khuất phục trước số phận, khó khăn, hoàn cảnh.

Trước khi tham gia thương trường, ông Lâm là một người lính bộ đội Cụ Hồ, ông nhập ngũ năm 1975 khi chỉ mới 19 tuổi, biên chế vào Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Lâm trở về địa phương với tỷ lệ thương tật lên đến 38% và tiếp tục được cho đi học hạ sĩ quan pháo binh. Tuy vậy, năm 1978, ông Lâm đã xin ra quân để về lo cho gia đình đang gặp khó khăn.

Năm 1990, ông Lâm đưa gia đình rời huyện Nga Sơn lên thị xã Bỉm Sơn. Công việc mưu sinh ngày đó chủ yếu là thu mua xi măng vụn của nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, sắt thép phế liệu.

Trải qua những năm dong duổi trên khắp các tỉnh thành phía Bắc, ông Lâm đã tích lũy và học hỏi kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân.

Đến năm 1995, ông Lâm quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là công ty TNHH đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn được thành lập, hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc; kinh doanh nhà hàng, khách sạn; sản xuất và xuất khẩu hàng sơn mài.

Cũng kể từ đó, đế chế Tiên Sơn Thanh Hóa chính thức ra đời và sau nhiều năm hoạt động, doanh nghiệp của ông Lâm đã đem lại nhiều công ăn việc làm, cải thiện đời sống của không ít người lao động trên mảnh đất quê hương của vị chủ tịch.

Tiên Sơn Thanh Hóa đã qua giai đoạn "hoàng kim"?

Trải qua gần ba thập kỉ dưới sự chèo lái của ông Lâm, từ mức vốn điều lệ 550 triệu đồng, cùng số lượng nhân sự vẻn vẹn 10 người thì đến nay, Tiên Sơn Thanh Hóa đã có trong tay 5 nhà máy may cung ứng cả sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của Tiên Sơn Thanh Hóa cũng được nâng lên thành 348 tỷ đồng với số lượng nhân sự lên đến hàng nghìn người. Những đối tác của thường xuyên của Tiên Sơn Thanh Hóa cũng được mở rộng ra các nước lớn, bao gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... và doanh nghiệp đang ấp ủ dự định thâm nhập thị trường châu Âu.

Sau khi trở thành công ty cổ phần vào năm 2014, số lượng cổ đông của Tiên Sơn Thanh Hóa đã phong phú hơn khá nhiều với gần 330 cổ đông cá nhân. Trong đó, ông Lâm là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 9,87% vốn, tương ứng 3,4 triệu cổ phần (tính đến ngày 14/5/2020).

Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý I/2020, báo cáo của Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết, ngoài ông Lâm, còn có 4 cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Dụ (7,75%) và các ông Trịnh Xuân Lượng, Trịnh Văn Dương và Trịnh Xuân Dưỡng với tỷ lệ 7,18% mỗi người.

Về tình hình kinh doanh, những năm gần đây, báo cáo tài chính của Tiên Sơn Thanh Hóa cho thấy doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng tốt, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2018.

Cụ thể, năm 2016, Tiên Sơn Thanh Hóa ghi nhận doanh thu thuần khiêm tốn 79,3 tỷ đồng, chiếm gần một nửa là doanh số cho thuê nhà xưởng. Do hoạt động gia công kinh doanh dưới giá vốn và các chi phí vận hành neo cao, doanh nghiệp gánh lỗ sau thuế 5,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, bức tranh tài chính có phần tươi sáng hơn, khi doanh thu tăng gấp rưỡi lên mức 120 tỷ đồng. Có lãi từ mảng gia công và hoạt động chuyển nhượng cổ phần, Tiên Sơn Thanh Hóa đạt lợi nhuận sau thuế dương trở lại, mặc dù chỉ hơn 1,5 tỷ đồng.

Tổng tài sản lúc này đạt 610 tỷ đồng, không biến động so với năm trước.

Năm 2018, năm "hoàng kim" đối với Tiên Sơn Thanh Hóa khi doanh số tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt gần 300 tỷ đồng. Con số này đến từ sự tăng trưởng của hoạt động gia công và sự xuất hiện của hoạt động thương mại, đem về gần 100 tỷ đồng trong năm.

Tuy mở rộng kinh doanh, song các chi phí vận hành và lãi vay của doanh nghiệp không phình to, cũng giúp bồi đắp cho khoản lợi nhuận sau thuế ở mức gần 24 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần năm ngoái.

Thế nhưng, kết quả này vẫn chưa đáp ứng đủ kì vọng của Tiên Sơn Thanh Hóa, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng do chi phí đầu tư ban đầu của một số dự án dự kiến triển khai nhưng đã tạm dừng do không đạt hiệu quả, ngoài ra việc trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngoài dự tính đã khiến lợi nhuận không đạt mục tiêu đề ra trước đó.

Đến năm 2019, kết quả kinh doanh của Tiên Sơn Thanh Hóa bắt đầu chững lại, cùng với đó kế hoạch lên sàn bị vỡ tiến độ. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 21 tỷ đồng, mặc dù vẫn tăng trưởng về doanh thu (0,2%) song khoản lãi giảm mất 12% so với cùng kỳ.

Tại năm 2020, doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất lũy kế năm, tuy nhiên trước tác động của đại dịch Covid-19, không loại trừ khả năng bức tranh tài chính của Tiên Sơn Thanh Hóa đã nhạt màu hơn rất nhiều.

Theo đó, ở giai đoạn bán niên, doanh thu của Tiên Sơn Thanh Hóa giảm gần một nửa chỉ còn 118 tỷ đồng, trong đó giảm mạnh nhất là hoạt động thương mại, kế tiếp là hoạt động gia công.

Mặc dù có thêm 8,5 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản, tuy nhiên vẫn thật khó để bù đắp cho sự thiếu hụt nêu trên, dẫn tới lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 8,9 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Tình hình khó khăn vẫn chưa được phục hồi ở ba tháng kế tiếp, cho dù doanh thu của Tiên Sơn Thanh Hóa tăng gấp đôi so với quý III/2019 lên mức 75 đồng. Với giá vốn chiếm hơn 89% và chi phí bán hàng tăng 150%, doanh nghiệp vẫn báo lãi sau thuế thụt lùi gần 30%, vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng.

Thực tế, trong bối cảnh đại dịch bùng phát gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu thì kết quả kinh doanh giảm sút của Tiên Sơn Thanh Hóa cũng là điều dễ hiểu.

Trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, cho dù các đơn hàng đã ký kết, việc nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm gặp nhiều khó khăn dưới sự tác động của đại dịch vẫn có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giãn thời gian nhận hàng hoặc thanh toán, gây khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp dệt may.

Cũng đã có không ít doanh nghiệp còn gặp rủi ro thu hồi công nợ khi đối tác đệ đơn phá sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hầu hết các sản phẩm thời trang, may mặc không phải là các mặt hàng thiết yếu, và là mặt hàng bị người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hàng đầu mỗi khi khi thu nhập bị ảnh hưởng...

Tin mới lên