Thị trường

Lo bất động sản 'lâm nguy' vì sửa Thông tư 36

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) vừa lên tiếng về dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Lo bất động sản 'lâm nguy' vì sửa Thông tư 36

Theo VnRea, trong giai đoạn trước đây, Việt Nam đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với bất động sản gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan hôm 24/2, VnRea nhấn mạnh, nội dung đáng chú ý của dự thảo là việc giảm mạnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% hiện nay lên mức 250%.

Theo Chủ tịch VnRea Nguyễn Trần Nam, điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản mà còn tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan và tác động xấu đến cả nền kinh tế. 

Do vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh Thông tư 36/2014 trong giai đoạn hiện nay, vì 4 lý do.

Thứ nhất, theo VnRea, thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có đóp góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội, ổn định xã hội.

Thứ hai, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ. Việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp bất động sản tốt hơn thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở với quy định nâng cao vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản từ mức 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp lớn, có tính dẫn hướng thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều, tính chuyên nghiệp được nâng lên cao và các dự án thực sự hiệu quả.

Thứ ba, VnRea nhận định dư nợ tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đang ở mức hợp lý, khoảng 360 nghìn tỷ đến 380 nghìn tỷ trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là 4 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng dưới 10%, trong khi đó, mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế là khoảng 15%.

Thứ tư, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị còn rất cao, nhiều dự án vừa mới bắt đầu được hồi phục lại, ở nhiều địa phương, thị trường bất động sản còn khó khăn nhiều.

Trong khi đó, kênh vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản hiện nay là tín dụng ngân hàng. Khi hệ thống chính sách để phát triển các quỹ đầu tư bất động sản còn chưa có hiệu quả thì mọi động thái của ngân hàng đối với tín dụng cho bất động sản sẽ mang tính dẫn hướng quan trọng cho toàn thể thị trường.

"Nếu nội dung của Thông tư 36/2014 bị sửa đổi theo như dự thảo thì không chỉ thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực mà các ngành có liên quan, và sự phát triển, tăng trường chung của nền kinh tế cùng bị giàm sút nghiêm trọng", văn bản của VnRea nhấn mạnh.

Cũng theo VnRea, trong giai đoạn trước đây, Việt Nam đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với bất động sản gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư mất lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô.

Đặc biệt, việc điều chỉnh này sẽ làm tăng lại lượng tồn kho bất động sản, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản… và giảm cơ hội có nhà ở của nhiều người dân.

Với thực tế đó, VnRea đề nghị Thống đốc Ngàn hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu không thực hiện việc điều chỉnh Thông tư 36/2014 như dự thảo đề xuất, để "đảm bảo sự ổn định và phát triển bển vững của thị trường bất động sản".

Tin mới lên