Nhân vật

Lộ diện ứng viên 'thế hệ 4G' có thể kế nhiệm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Ứng viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo của đất nước được mệnh danh là “con rồng châu Á”, kế nhiệm ông Lý Hiển Long, hôm nay đã bắt đầu lộ diện.

Lộ diện ứng viên 'thế hệ 4G' có thể kế nhiệm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Ông Heng Swee Keat, hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Singapore, nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long (Ảnh: Bloomberg)

Báo chí Singapore ngày 22/11 đưa tin, đảng cầm quyền PAP của Singapore nhiều khả năng sẽ chỉ định Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat làm tổng thư ký thứ nhất của đảng này. Điều này cho thấy ông này có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của đảo quốc sư tử, kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long.

Sau các cuộc họp của đảng vào ngày 11/11, PAP dự kiến sẽ công bố một danh sách ban lãnh đạo mới vào ngày mai, 23/11. Động thái này sẽ chỉ ra dấu hiệu chắc chắn về nhân vật tiếp theo dự kiến sẽ ngồi vào ghế thủ tướng.

Những người trong cuộc và các nhà quan sát cho rằng người được đề cử làm tổng thư ký thứ nhất - một vị trí theo truyền thống là do một phó thủ tướng nắm giữ - sẽ kế nhiệm ông Lý Hiển Long.

Ông Lý Hiển Long, hiện 66 tuổi, con trai của Thủ tướng sáng lập Singapore Lý Quang Diệu, đã nắm quyền kể từ năm 2004 sau khi kế nhiệm ông Goh Chok Tong. Sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015, ông Long cho biết ông có kế hoạch nghỉ hưu trước khi bước sang tuổi 70.

Nhật báo tiếng Trung Lianhe Zaoba tại Singapore đưa tin, “có các dấu hiệu” cho thấy ông Hang sẽ được bổ nhiệm vào vị trí tổng thư ký thứ nhất, trong khi Bộ trưởng công nghiệp và thương mại Chan Chun Sing nhiều khả năng sẽ trở thành tổng thư ký thứ 2.

Trong khi đó, báo Today trích lời một quan chức cấp cao trong đảng cho biết ông Heng được chọn vì ông có thể tập hợp mọi người.

Cả hai ứng viên trên đều thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore, còn gọi là thế hệ 4G, tức là thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ trong đảng, những người giành được các vị trí trong một ủy ban vốn đưa ra các quyết định hàng đầu của đảng trong các cuộc họp nội bộ.

Để mở đường cho họ, các vị phó của ông Lý Hiển Long là Teo Chee Hean và Tharman Shanmugaratnam đã từ chức khỏi Ủy ban điều hành trung ương của PAP.

Trong một động thái riêng rẽ, một nguồn tin cho biết với “This Week in Asia” rằng các nhà lãnh đạo 4G gần đây đã tổ chức một cuộc họp trong đó họ quyết định rằng ông Heng, một cựu quan chức ngân hàng, có thể là người đứng đầu trong số các ứng viên.

"Đặt lợi ích cá nhân sang một bên"

PAP, vốn nắm quyền tại Singapore kể từ năm 1959, có một tiến trình lựa chọn cho vị trí thủ tướng mà các nhà quan sát nói là giống cách thức các hồng y chọn một giáo hoàng. Thủ tướng đương nhiệm không tham gia quá trình lựa chọn này và trao quyền đó cho các bộ trưởng trẻ hơn, những người lựa chọn một ứng viên trong số họ làm người đứng đầu.

Chan Chun Sing, nhân vật trước đây được một số người xem là có thể làm ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng, cho biết tại một diễn đàn rằng mô hình ban lãnh đạo của Singapore “không chỉ là sự kết hợp của các thành phần riêng lẻ”.

“Những quốc gia hoạt động tốt là những nước may mắn có không chỉ các cá nhân giỏi mà còn có một đội ngũ vững mạnh”, Ông Chan nói. “Một đội ngũ vững mạnh thường đặt lợi ích cá nhân sang một bên và hành động vì các khát vọng tập thể của đất nước”.

“Tại Singapore, chúng ta tự hào nói rằng trong 53 năm qua chúng ta đã có thể tìm thấy… các nhóm lãnh đạo có thể tuân thủ tiến trình và nét riêng biệt này. Và tôi cho rằng thế hệ lãnh đạo trẻ hơn cũng tập trung vào điều đó”.

Nhà quan sát chính trị Eugene Tan cho rằng “không quá bất ngờ” khi ông Heng được các thành viên trong đảng lựa chọn vào vị trí đứng đầu.

Ông Heng là giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) từ năm 2005 tới 2011 và cũng từng đảm nhiệm vị trí như là thư ký riêng chủ chốt của ông Lý Quang Diệu.

Sau khi tham gia chính trường vào năm 2011, Thủ tướng Lý Hiển Long đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Giáo dục. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, ông Heng trở thành Bộ trưởng Tài chính.

Ông Heng từng trải qua một cơn đột quỵ vào năm 2016, khiến sự thăng tiến chính trị nhanh chóng của ông bị đột ngột gián đoạn. Tuy nhiên, ông đã trở lại mạnh mẽ sau khi bình phục hoàn toàn.

“Ông Heng là người tâm huyết và hiểu rõ cơ chế chính phủ vận hành”, Tan, một giáo sư luật tại Đại học quản lý Singapore, nhận định.

“Là một giám đốc điều hành của MAS, ông Heng đã đóng vai trò quan trọng tại Singapore trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Ông ấy cũng thân thiện và khiêm tốn”, giáo sư Tan nói.

Xem thêm >> Vụ nhét kim vào dâu tây: Bà My Ut Trinh được tại ngoại

Tin mới lên