Tài chính

'Lỗ hổng' thuế, doanh nghiệp xăng dầu 'đút túi' ngàn tỷ?

(VNF) - Doanh nghiệp (DN) nhập khẩu dầu diesel, dầu madut… có thể hướng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này. Mức chênh lệch này có thể mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng?

'Lỗ hổng' thuế, doanh nghiệp xăng dầu 'đút túi' ngàn tỷ?

Giá xăng dầu đắt hơn so với thực tế giá thành

Thuế vênh, doanh nghiệp lãi to?

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gây bất ngờ công bố con số lãi kỷ lục nhất từ trước tới nay. Năm 2015, lãi trước thuế của Tập đoàn này là lên tới 3.766 tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu đã gặt hái 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. Trung bình, mỗi lít hay kg xăng dầu của Petrolime đã đạt lãi 222 đồng.

Trong khi đó, 5 năm qua, lợi nhuận của Petrolimex luôn trồi sụt thất thường với các năm 2011, 2012, 2014 đều lỗ mảng xăng dầu và năm 2013 lãi trội nhất cũng chỉ hơn 1.500 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính đặt câu hỏi: Lý do chủ đạo nhất cho con số lãi khủng trên lại chính là nhờ hưởng lợi từ 'độ vênh' trong tính giá xăng dầu hiện nay của Liên Bộ Công Thương - Tài chính?

Cụ thể, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và madut 10%, dầu hỏa 13%.

Nhưng trên thực tế, Petrolimex cũng như hầu hết các doanh nghiệp đầu mối khác có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.

Cụ thể, Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11/2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 đã quy định, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, cũng từ năm nay, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Đây có thể là nguyên nhân khiến các DN xăng dầu lãi lớn như vây?, một chuyên gia đặt câu hỏi. Trong khi đó, Petrolimex lại có một cách gọi khá kỹ thuật là:"thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường".

Hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng?

Số liệu từ cơ quan hải quan cho biết, 2015, cả nước tiêu thụ 8,33 triệu tấn dầu diezen thì trong đó, có tới 4,42 triệu tấn dầu diesel nhập từ ASEAN, chiếm 53,06% tổng sản lượng dầu tiêu thụ trên thị trường. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 0,368 triệu tấn dầu diesel từ ASEAN, tương đương 421 triệu lít.

Giả sử, với mức giá CIF trung bình quý IV/2015 của dầu diesel là 55 USD/thùng, mỗi lít dầu diesel nhập từ ASEAN đã có chứng nhận xuất xứ form D sẽ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 5%, tương đương 400 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo biểu tính giá cơ sở để điều hành như hiện hành của Bộ Công Thương vẫn giữ mức thuế 10%, tương ứng mỗi lít dầu này sẽ gánh gấp đôi, gần 800 đồng tiền thuế. Chênh lệch khoản thuế này lên tới 400 đồng/lít, nhân với sản lượng tiêu thụ trung bình 421 triệu lít thì mỗi tháng, các DN xăng dầu đã lời thêm 168,4 tỷ đồng.

Tính tháng 6/2015, khi thuế MFN áp dụng là 10% cho dầu diesel, ước tính, chênh lệch thuế nhập khẩu giữa mức 10% và 5% cho sản lượng dầu diesel từ ASEAN trong 6 tháng cuối năm đã lên tới 1.010 tỷ đồng.

Chưa kể, kết quả tính giá cơ sở cũng đã bị đẩy lên cao. Nếu thuế nhập khẩu 5%, giá cơ sở dầu diesel với mức giá CIF như trên sẽ chỉ có 12.300 đồng/lít, nhưng khi áp thuế 10%, giá cơ sở sẽ tăng thành 12.700 đồng/lít. Nói cách khác, có ít nhất 53,06% sản lượng, tức hơn một nửa lượng dầu diesel bán cho người dân đã phải gánh thêm 400 đồng/lít thuế.

Năm 2016, chênh lệch này càng lớn hơn khi dầu diesel hưởng thuế 0% trong ASEAN.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua hôm 4/3, giá CIF bình quân 15 ngày qua của mặt hàng này chỉ có 40,32 USD. Một lít dầu ASEAN sẽ không phải chịu thuế nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với một mức giá bao gồm 595 đồng tiền thuế nhập khẩu. Nếu các DN vẫn duy trì tỷ trọng và sản lượng tiêu thụ trung bình tháng đối với dầu diesel như năm 2015 trên thì mỗi tháng qua, người tiêu dùng đã gánh thêm khoảng 250,495 tỷ đồng.

Tương tự, mặt hàng xăng A92 từ Hàn Quốc cũng có chênh lệch thuế rất lớn kể từ 1/1 năm nay. Thuế xăng Hàn Quốc chỉ có 10% nhưng Liên Bộ vẫn tính toán điều hành giá theo phương án thuế MFN 20%.

Với mức giá vừa công bố tại kỳ điều hành 4/3 vừa qua là 42,31 USD/thùng, người tiêu dùng đang phải chịu 1.261,55 đồng/lít thuế xăng với giá cơ sở là 14.100 đồng lít. Nhưng nếu lít xăng này nhập từ Hàn Quốc, người tiêu dùng sẽ chỉ phải chịu thuế 630,77 đồng/lít với mức giá cơ sở chỉ có 13.415 đồng/lít. Nêu tính cơ học, mua xăng made in Korea, người tiêu dùng đang phải gánh thêm 630,78 đồng/lít tiền thuế.

Và so với mức giá bán lẻ vừa qua là 13.750 đồng/lít, giá thành của một lít xăng made in Korea rẻ hơn 335 đồng/lít.

Năm 2015, mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ có 0,31 triệu tấn, chiếm 11,4% tổng lượng xăng nhập khẩu và chiếm 5,6% tổng lượng xăng tiêu thụ toàn quốc. Nhưng với sự chênh lệch 50% thuế suất này, các DN đầu mối sẽ đổ dồn nhập xăng Hàn như đang diễn ra hiện nay.

Một câu hỏi được đặt ra, trong bối cảnh hội nhập, có nhiều thị trường cạnh tranh và nhiều mức thuế khác nhau, vì sao Liên Bộ Công Thương- Tài chính vẫn chưa có động thái nào trong việc sửa đổi cơ chế áp thuế trong cách tính giá xăng dầu để gần thực tiễn hơn?.

Tin mới lên