Thị trường

Lo ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra’, Phó chủ tịch VEA đề nghị cơ chế giá FIT theo vùng

(VNF) - Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng việc áp dụng giá FIT thống nhất trên toàn quốc sẽ dẫn đến sự lệch pha trong đầu tư năng lượng tái tạo.

Lo ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra’, Phó chủ tịch VEA đề nghị cơ chế giá FIT theo vùng

Lo ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra’, Phó chủ tịch VEA đề nghị cơ chế giá FIT theo vùng

Theo ông Vy, khả năng phát của các dự án điện gió, điện mặt trời phụ thuộc nhiều vào tốc điện gió bình quân và bức xạ năng lượng mặt trời. Trong điều kiện đất nước tồn tại nhiều vùng khí hậu khác nhau, việc lựa chọn theo mức bình quân sẽ dẫn đến hiện tượng tập trung đầu tư vào khu vực có tốc độ gió, bức xạ tốt, trong khi không thu hút được đầu tư vào khu vực có tốc độ gió, bức xạ thấp.

Do vậy, ông Vy đề nghị Chính phủ ban hành biểu giá FIT cho các nguồn năng lượng tái tạo theo một số vùng.

Ông Vy cũng cho rằng việc giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng chung, không phân biệt quy mô cũng sẽ dẫn đến bất cập. Cụ thể, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các dự án có quy mô nhỏ hơn nếu có các điều kiện tự nhiên tương tự.

Vì thế, ông Vy cũng đề nghị cơ chế giá FIT nên thay đổi theo quy mô công suất áp dụng đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Các dự án có quy mô lớn thì thực hiện theo cơ chế giá bán điện được xác định trên cơ sở đàm phán hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và đơn vị mua điện, tương tự như tại các dự án điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí..) đã và đang thực hiện.

Quy định về điện mặt trời áp mái: “Thuế chồng thuế”

Theo ông Vy, việc quy định khách hàng sử dụng điện cuối cùng phải bán toàn bộ điện năng sản của hệ thống điện mặt trời mái nhà và mua toàn bộ nhu cầu điện từ đơn vị điện lực sẽ đưa đến nhiều bất cập.

Một là phải trả 2 lần thuế VAT cho cùng một đơn vị điện năng. Cụ thể, khách hàng phải trả thuế VAT cho lượng điện mua từ đơn vị điện lực, trong khi đơn vị điện lực phải trả thuế VAT cho sản lượng điện mua từ điện mặt trời mái nhà của khách hàng.

Hai là khách hàng phải trả và nhận với mức giá khác nhau cho cùng một sản lượng điện. Cụ thể, các khách hàng đều bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà với giá điện là 1.943 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScent/kWh) trong khi phải mua điện từ EVN với mức giá khác nhau.

Theo đó, khách hàng là hộ gia đình phải mua điện theo biểu giá điện bậc thang với giá mua điện bình quân khoảng 2.700 đồng/kWh, cao hơn giá bán điện khoảng 757 đồng/kWh. Còn với khách hàng áp dụng biểu giá bán lẻ điện cho kinh doanh, giá mua điện bình quân khoảng 2.442 – 2.629 đồng/kWh (tính theo giờ bình thường trong biểu giá điện theo thời gian tại các cấp điện áp khác nhau), cao hơn giá bán điện khoảng 499 – 686 đồng/kWh.

Trong khi đó, khách hàng áp dụng biểu giá bán điện cho sản xuất có giá mua điện bình quân khoảng 1.536 – 1.685 đồng/kWh (tính theo giờ bình thường trong biểu giá điện theo thời gian tại các cấp điện áp khác nhau), thấp hơn giá bán điện khoảng 288 – 407 đồng/kWh.

Để giải quyết các bất cập trên, ông Vy đề nghị các khách hàng sử dụng điện cuối cùng mua điện từ hệ thống điện quốc gia, thực hiện phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với mục đích chính là tự đảm bảo cho nhu cầu điện của mình, được áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.

Điện sản xuất ra trước hết cấp cho nhu cầu điện của mình, sản lượng điện thừa (tự sản xuất cao hơn nhu cầu) được bán điện cho EVN, sản lượng điện thiếu (tự sản xuất thấp hơn nhu cầu) được mua điện từ EVN.

Việc thanh toán được thực hiện theo cơ chế bù trù, đối với các cơ quan, doanh nghiệp việc hạch toán theo quy định kế toán hiện hành; đối với các hộ gia đình, chỉ tính thuế đối với sản lượng điện mua, bán với EVN, không tính thuế đối với sản lượng điện tự dùng.

Cơ chế nào cho việc nông dân góp đất với doanh nghiệp điện?

Theo ông Vy, các dự án năng lượng tái tạo có các đặc thù sử dụng đất khác nhau. Chẳng hạn, các dự án điện gió chỉ sử dụng đất lâu dài đối với cột điện gió và một phần diện tích cần thiết để tập kết vật tư cho sửa chữa, bảo dưỡng. Đối với các dự án điện mặt trời, diện tích đất làm dự án vẫn có thể canh tác các cây trồng phù hợp (đối với các dự án trên mặt đất) hoặc nuôi trồng thủy sản (đối với các dự án trên mặt nước). Như vậy, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như hiện nay đang gặp một số khó khăn bất cập. Cụ thể, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Việc này dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài, tăng chi phí của dự án.

Ngoài ra, thực tế cho thấy hầu hết các dự án đều có vướng mắc giữa nhà đầu tư và người nông dân bị thu hồi đất vì đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng do các địa phương ban hành thấp hơn giá thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, phương án được tính tới là người nông dân góp đất với doanh nghiệp để thực hiện dự án theo hình thức công ty cổ phần. Phần vốn góp của người nông dân là giá trị sử dụng đất và được đánh giá theo giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Vy chỉ ra phương án này sẽ có một số bất cập như: không bình đẳng giữa nhà đầu tư và người nông dân, do phần vốn góp của người nông dân được bảo đảm bằng đất, có giá trị lâu dài, không suy giảm theo thời gian, trong khi đó nhà đầu tư góp vốn bằng tiền để tạo thành tài sản cố định mà tài sản này sẽ giảm giá trị theo thời gian, được thu hồi qua khấu hao tài sản cố định. Ngoài ra, tỷ lệ phần vốn góp của người nông dân sẽ giảm dần khi doanh nghiệp thực hiện tăng vốn điều lệ.

Mặt khác, khi người công dân cho doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án, giá thuê đất có thể thay đổi theo thời gian theo cơ chế thị trường. Theo phương án này, người nông dân không mất quyền sử dụng đất, vẫn được sản xuất trên đất của mình, đời sống được đảm bảo lâu dài.

Với các phân tích này, ông Vy đã đề xuất cơ chế kết hợp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp, theo đó chủ đầu tư không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án, giá thuê đất được điều chỉnh theo thỏa thuận của 2 bên. Người nông dân vẫn thực hiện sản xuất nông nghiệp, nhưng không được làm ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo…

Tin mới lên