Tài chính

Lỗ lũy kế hơn 258 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thuỷ sản An Giang

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HoSE AGF) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 (30/9/2017-31/3/2018) với khoản lỗ lên đến 166 tỷ đồng, riêng quý II lỗ hơn 71 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế hơn 258 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thuỷ sản An Giang

Lỗ lũy kế hơn 258 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thuỷ sản An Giang.

Theo đó, doanh thu trong kỳ của Agifish chỉ đạt 808 tỷ đồng, giảm 30,5% so với cùng kỳ trong khi giá vốn lên đến 889 tỷ đồng khiến Công ty lỗ gộp 81 tỷ so với khoản lãi gộp hơn 100 tỷ đồng hồi năm ngoái.

Các chi phí bán hàng và quản lý có điều chỉnh nhưng vẫn ở mức trên 54,5 tỷ đồng cùng khoản lỗ khác tăng đột biến lên 10,3 tỷ đồng khiến Agifish chịu khoản lỗ lên đến 166 tỷ đồng, lỗ lũy kế thời điểm kết thúc bán niên 2018 là 258 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính riêng trong quý II, Agrifish đã lỗ hơn 71 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ đạt 302 tỷ đồng, tương đương với 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc phát sinh khoản lỗ thuần trong kỳ kế toán 6 tháng đồng thời gánh chịu khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 31/03/2018, kiểm toán đã nhấn mạnh về sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Cũng trong báo cáo tài chính, kiểm toán đã đưa ra ý kiến loại trừ về ảnh hưởng có thể có của việc Agrifish chưa thực hiện trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 96,7 tỷ đồng. Nếu thực hiện trích lập dự phòng trên thì chi phí quản lý và lỗ sau thuế của doanh nghiệp sẽ tăng lên 96,7 tỷ đồng, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và lỗ lũy kế sẽ tăng lên tương ứng.

Có thể thấy, các khoản phải thu vẫn luôn là vấn đề “đau đầu” đối với Agrfish. Năm 2017, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán cũng tăng thêm 82 tỷ đồng, nguyên nhân từ khoản dự phòng cho các khoản phải thu mà báo cáo tự lập trước đó của Agrifish không trích lập.

Tính đến ngày 31/3/2018, khoản phải thu của Công ty có ghi nhận giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá cao, riêng phải thu ngắn hạn là 852 tỷ đồng (với phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 983 tỷ đồng) chiếm hơn 76,3% tài sản ngắn hạn. Agifish hiện trích lập 160 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Phải thu dài hạn tăng mạnh lên 1,8 tỷ đồng.

Trên thị trường, chỉ trong 6 tháng, từ giao dịch gần mệnh giá, cổ phiếu AGF liên tục lao dốc xuống giao dịch quanh vùng giá 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 7. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/07 ở mức 3.920 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, cổ phiếu AGF còn bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 7/3/2018 do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu AGF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Dường như thói quen chây ỳ công bố thông tin (CBTT) của Agrifish quá khó bỏ. Sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 155 triệu đồng do sai phạm trong việc CBTT hồi tháng 6, Agrifish tiếp tục bị nhắc nhở về việc chậm CBTT đối với ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên tại BCTC soát xét bán niên niên độ tài chính 01/10/2017 – 30/09/2018.

Tin mới lên