Tài chính quốc tế

Lo ngại làn sóng tẩy chay từ Trung Quốc, doanh nghiệp Australia tìm thị trường thay thế

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham ngày 17/5 cảnh báo các can thiệp thương mại không thể đoán trước của Trung Quốc có thể buộc các nhà sản xuất Australia phải bán sản phẩm cho các thị trường khác và việc đa dạng hóa thị trường sẽ được khuyến khích khi có rủi ro về thương mại với Bắc Kinh.

Lo ngại làn sóng tẩy chay từ Trung Quốc, doanh nghiệp Australia tìm thị trường thay thế

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham. (Nguồn: AAP)

Phát biểu trên Đàì truyền hình quốc gia ABC, ông Birmingham cũng cho biết Australia bảo lưu quyền kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tiết lộ ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ người đồng cấp Bắc Kinh trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa 2 nước đang gia tăng.

Sau khi Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Đại sứ Trung Quốc tại Australia, Thành Cạnh Nghiệp, đã đe dọa người tiêu dùng quốc gia này có thể tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Australia.

Tuần qua, Trung Quốc đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng lúa mạch Australia lên hơn 80% với cáo buộc các công ty sản xuất lúa mạch của Australia bán phá giá, và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò đối với 4 công ty chế biến thịt của nước này.

Giải thích về sự phụ thuộc ngày càng tăng về thương mại của Australia vào Trung Quốc, ông Birmingham nói Bắc Kinh có nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua và đây là một quyết định thương mại của các doanh nghiệp Australia khi giao dịch với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Birmingham cho rằng, bây giờ là lúc các doanh nghiệp Australia cần phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận và ông khuyến khích các doanh nghiệp tìm tới các thị trường khác để giảm bớt rủi ro như là thông lệ kinh doanh khôn ngoan.

Tin mới lên