Tài chính quốc tế

Lo ngại lợi ích cho người tiêu dùng, Malaysia đưa thương vụ Uber-Grab vào 'tầm ngắm'

(VNF) - Malaysia là nước tiếp theo tại Đông Nam Á đưa thương vụ giữa hai "đại gia" đình đám Uber-Grab vào "tầm ngắm".

Lo ngại lợi ích cho người tiêu dùng, Malaysia đưa thương vụ Uber-Grab vào 'tầm ngắm'

Malaysia đưa thương vụ Uber-Grab vào 'tầm ngắm' vì lo ngại lợi ích cho người tiêu dùng.

Ngày 2/4, Malaysia thông báo sẽ đưa hãng taxi công nghệ Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh sau khi hãng này tiếp nhận mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối thủ Uber.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Malaysia sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri khẳng định việc giám sát là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong mảng dịch vụ vận tải này để tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nancy Shukri nhấn mạnh trong trường hợp có hiện tượng chống cạnh tranh, Đạo luật Cạnh tranh sẽ ngay lập tức có hiệu lực.

Cũng theo vị Bộ trưởng này, tại cuộc họp diễn ra tuần trước, Grab - công ty được định giá khoảng 6 tỷ USD, đã đưa ra đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao, sẽ không xảy ra chuyện giá không hợp lý cũng như không có chuyện tăng phí vận chuyển.

Liên quan đến thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber, mới đây, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cũng đã tiến hành điều tra lại thương vụ sáp nhập này.

Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cho biết họ có cơ sở để nghi ngờ Grab và Uber đã vi phạm Đạo luật cạnh tranh và đã đề xuất các biện pháp tạm thời để bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trong khi tiến hành điều tra lại thương vụ sáp nhập này.

Các biện pháp này, nếu được thực hiện, sẽ yêu cầu Grab và Uber phải tiếp tục duy trì các chính sách định giá và hoạt động như bình thường trước khi thực sự hoàn tất thủ tục bán lại.

Theo Ủy ban, nếu việc sáp nhập của Grab và Uber dẫn tới việc giảm cạnh tranh đáng kể giữa hai công ty này, thì Ủy ban có quyền yêu cầu tháo gỡ hoặc sửa đổi việc sáp nhập.

Trong trường hợp vi phạm Đạo luật Cạnh tranh, Ủy ban có thể áp dụng hình phạt tài chính lên đến 10% doanh thu tại thị trường Singapore cho mỗi năm vi phạm, tối đa là 3 năm.

Các chuyên gia cho biết các chỉ thị tạm thời này ít nhiều nhắm đến mục địch ngăn chặn tiến trình sáp nhập của hai công ty mà có thể dẫn đến sự thống trị của Grab.

Grab đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư phát triển thị trường tại các quốc gia láng giềng như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Hãng cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.

Theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, trong năm 2017, Grab đứng thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng dịch vụ hàng tháng ở Singapore, trong khi Uber đứng vị trí thứ 7.

Cạnh tranh giữa các hãng cung cấp dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng là các ứng dụng kết nối tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỷ USD trong năm 2025.

Uber hiện vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với việc có mặt ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hãng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.

Tin mới lên