Thị trường

Lô sữa từ thiện hơn 22.000 lon 'mắc kẹt' đã được thông quan

(VNF) - Theo Cục Hải quan TP. HCM, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ, thực hiện thông quan đối với lô hàng.

Lô sữa từ thiện hơn 22.000 lon 'mắc kẹt' đã được thông quan

Lô sữa từ thiện hơn 22.000 lon 'mắc kẹt' đã được thông quan. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Cục Hải quan TP. HCM cho biết lô hàng hơn 22.000 lon sữa viện trợ đang được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1  - Cục Hải quan TP. HCM thực hiện thông quan sau khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo đó, Viện Y tế công cộng cộng TP. HCM đã có thông báo gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực về kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng sữa viện trợ này. Theo đó, kết quả kiểm tra ghi nhận bao bì ngoài và bao bì trực tiếp còn nguyên vẹn, rõ ràng với đầy đủ thông tin về sản phẩm. Kết quả kiểm nghiệm một số chỉ tiêu an toàn đối với 3 sản phẩm đạt theo quy định hiện hành.

Trước đó, ngày 12/11, Viện Y tế công cộng TP. HCM phối hợp với Cục Hải quan TP. HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng. Tiếp đó, Cục An Toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị chỉ đạo Cục Hải quan TP. HCM thực hiện thông quan lô hàng nếu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Theo Cục Hải quan TP. HCM, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ, thực hiện thông quan đối với lô hàng.

Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM đã nêu lên câu chuyện lô hàng hơn 22.000 hộp sữa được kiều bào tại Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn do dịch bệnh về đến TP. HCM gần 1 tháng chưa lấy ra được do vướng các quy định "đúng quy trình" nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc" để dẫn chứng cho việc một số cơ quan, đơn vị chưa ý thức được trách nhiệm tham mưu.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu mong muốn Chính phủ tạo cơ chế hành chính thông thoáng, quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, từng cán bộ trong tham mưu những việc cần thiết, không cần "nhờ vả" hay "quen biết", mà việc vẫn chạy, có lợi nhất cho người dân, đặc biệt người dân khó khăn trong đại dịch.

Bà Châu cũng mong muốn Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, "vì có rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định kịp đi vào cuộc sống".

Tin mới lên