Ngân hàng

Lộ trình Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng hàng trăm nghìn tỷ đồng

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục hút về hàng trăm nghìn tỷ, đồng thời tăng lãi suất điều hành. Mục tiêu chống lạm phát, ổn định tỷ giá USD/VND đang được ưu tiên hàng đầu trong điều hành tiền tệ.

Lộ trình Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng hàng trăm nghìn tỷ đồng

Xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào.

Một trong những công cụ được NHNN sử dụng nhiều nhất trong thời gian qua để điều tiết cung tiền là mua/bán tín phiếu trên thị trường mở.

NHNN đã điều tiết cung tiền theo hướng thận trọng hơn khi tăng cường hút tiền qua kênh phát hành tín phiếu.

Từ tháng 6, NHNN phát hành tín phiếu trở lại sau hơn 2 năm tạm dừng nhằm hút thanh khoản dư thừa trong bối cảnh hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng chưa được gia tăng.

Tới tháng 8, NHNN tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng thông qua việc phát hành hơn 160.000 tỷ đồng và để hơn 94.000 tỷ đồng đáo hạn thông qua kênh tín phiếu.

Sang tháng 9, NHNN vẫn thực hiện điều tiết tín phiếu trên thị trường mở. Trong tuần từ 12-16/9, NHNN tiếp tục phát hành 44.600 tỷ đồng tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường.

Trong giai đoạn này, NHNN cũng thực hiện bán tín phiếu kỳ hạn 7 và 14 ngày với giá trị lên tới 110.400 tỷ đồng, rút về lượng tiền đồng tương ứng với giá trị tín phiếu đã bán ra.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền đồng.

Việc giảm khối lượng tiền đồng trong hệ thống ngân hàng cũng giúp lãi suất cho vay VND trên kênh liên ngân hàng duy trì ở mức cao hơn lãi suất vay USD, làm hạn chế nhu cầu nắm giữ USD từ các ngân hàng thương mại, từ đó tác động hạ nhiệt tỷ giá gián tiếp trên thị trường.

Song song với việc bán tín phiếu, NHNN cũng thực hiện mua tín phiếu kỳ hạn ngắn nhằm hỗ trợ thanh khoản cục bộ cho một số tổ chức tín dụng. Trong nửa đầu tháng 9, NHNN đã tiến hành mua tín phiếu kỳ hạn ngắn với giá trị bình quân gần 1.000 tỷ đồng/phiên.

Đáng chú ý, trong tuần từ 12-16/9, NHNN đã phát hành 44.600 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất phát hành đã được đẩy lên 4% (tăng 130 điểm cơ bản so với trước đó).

Nghiệp vụ mua kì hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hàng ngày đạt 1 nghìn tỷ đồng (giảm từ mức gần 15 nghìn tỷ đồng) và lãi suất tăng nhẹ lên 4,6% (tăng 10 điểm cơ bản). Trong tuần này, NHNN đã hút ròng tổng cộng 59,6 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở.

Việc lãi suất tín phiếu bán ra tăng mạnh cho thấy quyết tâm giảm khối lượng tiền đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại của cơ quan quản lý. NHNN chấp nhận trả mức lãi suất cao hơn để các ngân hàng thương mại dùng tiền đồng mua lại tín phiếu kỳ hạn.

Đầu tháng 9, NHNN vẫn thực hiện bơm tiền đồng (chào mua giấy tờ có giá) ra ngoài thông qua thị trường mở (OMO) nhằm bổ sung thanh khoản trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn gặp nhiều áp lực, chủ yếu do việc đáo hạn các hợp đồng bán USD khiến một lượng VND tương ứng bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến.

Chỉ tính trong nửa đầu tháng 9, NHNN đã bơm tiền đồng ra ngoài thông qua thị trường mở với giá trị xấp xỉ 66.500 tỷ đồng. Sau hành động này của NHNN, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt còn 4,2%/năm, cho thấy vấn đề thiếu hụt thanh khoản đã tạm lắng.

Trong khi đó, việc bơm tiền qua nghiệp vụ thị trường mở cũng hạn chế hơn với phương thức đấu thầu mới cho phép lãi suất trúng thầu thay đổi linh hoạt theo từng phiên, thay vì ngưỡng trần cố định 2,5%/năm như trước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh và nhu cầu mua USD của các ngân hàng gia tăng đã khiến NHNN phải bán lượng lớn USD các ngân hàng thương mại để hỗ trợ tỷ giá.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, từ đầu năm đến nay, ước tính, NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng kỳ hạn và giao ngay. Từ đầu năm, có khoảng 12 tỷ USD đã giao và đã đáo hạn, dẫn đến khoảng 280.000 tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Còn Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng NHNN đang có xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào như giai đoạn năm 2020-2021 nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND phù hợp và có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Tại buổi họp báo ngày 23/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quyết định tăng lãi suất của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đây là ưu tiên số một của NHNN trong thời gian tới.

Tin mới lên