Bất động sản

Lo 'vỡ trận' các dự án cao tốc phía bắc

Các dự án cao tốc kết nối nhiều tỉnh phía bắc như Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) có nguy cơ “vỡ trận”, chậm triển khai do khó thu xếp vốn.

Lo 'vỡ trận' các dự án cao tốc phía bắc

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang dừng cách cửa khẩu Hữu Nghị hơn 40 km

Muôn trùng khó khăn

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tính đến tháng 6, kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án (đã được Bộ KH-ĐT thông qua) vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến dự án đang bị chậm so với kế hoạch đề ra là được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 1/2020.

Hàng loạt thủ tục tiếp sau đó như báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chưa được phê duyệt. Hai tiểu dự án đường công vụ hiện dừng chưa thực hiện. Ngay cả việc thi tuyển kiến trúc cũng đang chờ, chỉ có thể thực hiện sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, vừa kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý III/2020, cũng như các cấp thẩm quyền bố trí đủ phần vốn ngân sách T.Ư để tham gia dự án, trong đó đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn được bố trí, phân đoạn để triển khai 2 làn xe.

Trước đó, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm 2018 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo quy hoạch 2016 - 2020 định hướng đến 2030, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài toàn tuyến hơn 144 km, thời gian đầu tư sau năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 47.520 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), trong đó vay vốn Trung Quốc hơn 300 triệu USD.

Phương án này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, sau đó UBND tỉnh Cao Bằng đã đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư dự án chiều dài 115 km, rút vốn đầu tư xuống gần 21.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và gần 13.900 tỷ đồng còn lại là vốn vay của nhà đầu tư.

Dự kiến triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020 đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80 km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh. Tuy nhiên, hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn giậm chân tại chỗ.

Trên thực tế, dù Cao Bằng và Lạng Sơn rất mong muốn sớm có 1 tuyến cao tốc kết nối, song dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh “long đong” suốt nhiều năm qua do khó khăn trong cân đối và thu xếp vốn, ngay cả khi dự án đã tiết giảm 26.000 tỉ đồng so với khái toán ban đầu. Không chỉ căng thẳng trong bố trí ngân sách giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 khi phải san sẻ cùng nhiều dự án khác, ngay cả việc thu xếp vốn vay ngân hàng không hề đơn giản với khoản vốn huy động bên ngoài lên tới gần 14.000 tỉ đồng.

Cao tốc “đường cụt”

Hiện đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, mất gần 6 tiếng di chuyển bằng ô tô. Nếu mạng lưới cao tốc phía bắc gồm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kết nối, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống chỉ còn 2 - 2,5 giờ. Trong đó, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, điểm cuối của trục cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn có vai trò quan trọng kết nối liên vùng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) từng được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2016 với quy mô 43 km, tổng mức đầu tư 8.700 tỷ đồng, giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA. Mục tiêu hoàn thành vào năm 2019 để khép kín toàn bộ tuyến cao tốc nối Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị.

Sau 2 năm chật vật do khó khăn thủ tục pháp lý, năm 2018, dự án được chuyển đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn, đổi hình thức đầu tư BOT. Song dự án vẫn tiếp tục lận đận khi đến nay vẫn chưa thể khởi động do không thu xếp được vốn vay.

Hơn 40 km cuối kết nối cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn (vận hành từ đầu năm 2020) lên cửa khẩu Hữu Nghị đang bất đắc dĩ trở thành đường cụt. Trong văn bản “cầu cứu” gửi chính phủ cuối tháng 5, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết tuyến cao tốc này khó có thể hoàn thiện trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, do chưa thể thu xếp được nguồn vốn.

Theo phương án phân kỳ mới nhất, Lạng Sơn sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, mặt đường phân kỳ 2 đoạn (27 km quy mô 4 làn xe và 17 km cuối quy mô 2 làn xe). Trong đó, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư BOT là 1.600 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng thương mại khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương 3.000 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 19 năm 5 tháng.

Tín hiệu mới nhất là Bộ KH-ĐT đã đồng ý với phương án phân kỳ dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất (quy mô và tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng), đồng thời đang tham mưu chính phủ đưa dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020 - 2025. Bộ KH-ĐT cũng lưu ý Lạng Sơn cần chọn phương án ngân sách tỉnh và nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất, nhà nước cũng chỉ phải hỗ trợ ít nhất để dự án sớm được triển khai.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam, để gỡ thế khó cho các dự án cao tốc hiện nay, cần có những cam kết hỗ trợ vốn từ chính phủ, chỉ khi đó việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của nhà đầu tư mới thuận lợi. Với những dự án quy mô vốn lớn như Hữu Nghị - Chi Lăng hay Đồng Đăng - Trà Lĩnh, vai trò hỗ trợ của nhà nước càng cần thiết, để cân đối với phần vốn vay và tăng niềm tin cho các tổ chức tín dụng.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, việc huy động vốn ngân hàng thương mại với dự án BOT đang rất khó, do lo ngại rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp dự án có thể giảm bớt áp lực vốn vay bằng cách phát hành trái phiếu công trình hoặc huy động một phần từ nguồn vốn quốc tế. Bên cạnh đó, sớm có những hướng dẫn cụ thể triển khai luật PPP, trong đó có chia sẻ rủi ro và bảo đảm ngoại tệ, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nguồn vốn tín dụng từ nước ngoài, đa dạng hóa nguồn vốn cho dự án hạ tầng hiện nay.

Tin mới lên