Tiêu điểm

‘Loạn’ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án: Do ‘có áp lực, có yêu cầu của doanh nghiệp’

(VNF) – Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội hôm nay (4/6).

‘Loạn’ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án: Do ‘có áp lực, có yêu cầu của doanh nghiệp’

‘Loạn’ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án

Trong các năm qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết diễn ra một cách tràn lan. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, mới đầu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết “có thể do sức ép hoặc do theo lợi ích của doanh nghiệp hay không thì chúng tôi hiện nay chưa có thông tin đầy đủ về vấn đề này nhưng cũng không loại trừ vấn đề này”.

Tuy nhiên, ở phần trả lời đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Hà đã nói rõ hơn: “Đại biểu Trần Văn Tiến có câu hỏi về điều chỉnh quy hoạch tùy tiện và nhiều lần có tác động của nhà đầu tư không. Như tôi đã nói, chúng tôi chưa có thông tin đầy đủ, cụ thể về tên tuổi các nhà đầu tư về việc này, nhưng tôi nghĩ một trong những nguyên nhân là có áp lực, có yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Bộ trưởng Hà cũng nói thêm rằng: “Nhưng cũng có 2 ý ở đây, ý thứ nhất là họ mong muốn thực hiện dự án phục vụ sự phát triển kinh tế của địa phương, nó phù hợp và mang lại lợi nhuận cho họ. Ý thứ hai là họ cố tình lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để đạt những lợi nhuận bất hợp pháp. Quan điểm chúng tôi là kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình lập và thẩm định phê duyệt quy hoạch, nếu phát hiện các trường hợp này sẽ xử lý nghiêm túc theo quy định”.

Nói về các kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho hay trong năm nay và sang năm, Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp cho thanh tra Bộ thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là với các dự án tại trung tâm các thành phố lớn để xử lý dứt điểm vấn đề này.

Năm nay sẽ sửa 4 quy chuẩn về xây dựng. rà soát 62 tiêu – quy chuẩn

Trả lời chất vấn đề việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn hiện nay đang bộc lộ những hạn chế.

Một là có 44 quy chuẩn liên quan đến xây dựng và khoảng 20.000 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan tới lĩnh vực xây dựng nhưng hệ thống này còn phân tán, nhiều nội dung còn trùng lặp và do nhiều bộ, ban, ngành ban hành.

Hai là một số quy định đã lạc hậu so với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số quy định, ví dụ như kiểm soát dân số, kiểm soát vấn đề sử dụng đất ở đô thị, kiểm soát vấn đề hạ tầng cũng chưa được cập nhật, bổ sung.

Trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn còn có những tùy tiện ở các dự án đầu tư do quá trình kiểm soát của các cơ quan lập, thẩm định các dự án cũng chưa tốt.

“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đến năm 2021, chúng ta sẽ có một hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới phù hợp với điều kiện thực tế”, Bộ trưởng Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện, đề án này vẫn phải sửa đổi ngay những quy chuẩn, tiêu chuẩn lạc hậu.

“Trong năm 2019 chúng tôi sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn rất quan trọng liên quan đến đầu tư xây dựng và đô thị. Đó là quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về nhà ở và công trình dân dụng, quy chuẩn về cơ sở hạ tầng, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ rà soát khoảng 62 tiêu chuẩn, quy chuẩn nữa”, Bộ trưởng nói.

Công trình nhà nước làm tốn tiền hơn vì vấn đề đơn giá

Trả lời cho câu hỏi vì sao giá thành các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước thường cao hơn công trình của tư nhân, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh đây là một vấn đề có thực, “chúng ta đã làm chưa kịp thời việc sửa đổi hệ thống định mức đơn giá liên quan”.

Bộ trưởng cho hay Bộ Xây dựng đang thực hiện đề án đổi mới hệ thống định mức đơn giá. “Trong năm 2019, chúng tôi đã rà soát hơn 14.000 định mức đơn giá về xây dựng, loại bỏ gần 2.000 đơn giá lạc hậu, sửa đổi, bổ sung một số đơn giá khác. Chúng tôi tin rằng việc này làm cho việc áp dụng định mức trong các công trình sử dụng vốn nhà nước làm giá thành giảm xuống”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, đến năm 2021, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện hệ thống định mức đơn giá theo các phương pháp mới khác hẳn phương pháp hiện nay, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế.

Tin mới lên