Tài chính

Loạt công ty chứng khoán công bố lợi nhuận sụt giảm

(VNF) - Kết thúc quý II, các công ty chứng khoán như BVSC, TCBS, VIX, Agriseco đều công bố kết quả kinh doanh ảm đạm với lợi nhuận tăng trưởng âm, có nơi mức âm lên đến 90% so với cùng kỳ. Trong khi đó, EVS là một trong số ít đơn vị lội ngược dòng để ghi nhận lợi nhuận khả quan.

Loạt công ty chứng khoán công bố lợi nhuận sụt giảm

Thị trường diễn biến 'buồn tẻ', loạt công ty chứng khoán công bố lợi nhuận quý II sụt giảm

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, đặc biệt kể từ tháng 4 thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đợt giảm mạnh và chỉ xuất hiện lực cầu bắt đáy không quá mặn mà khi chỉ số để mất mốc 1.200 điểm. Sau 6 tháng, VN-Index ghi nhận mức giảm 20% trong khi HNX-Index mất đến 41,4% còn UPCoM-Index cũng giảm 21,4% so với cuối năm ngoái.

Thống kê từ Stockq, mức giảm hơn 20% đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cũng theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm chốt tháng 6 là 1.197,6 điểm, định giá P/E VN-Index chỉ còn 13 lần. Trong khi mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6/2021, P/E của thị trường từng ở mức hơn 19 lần. Mức P/E hiện tại cũng thấp hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 15 lần.

Vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 53,3 tỷ USD trong đó riêng sàn HoSE đã mất 1,08 triệu tỷ đồng, khoảng 49,6 tỷ USD.

Đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục trong trạng thái ảm đạm, thanh khoản chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể, khi mà đang có nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ hơn và tâm lý thận trọng bao phủ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Với kết quả kinh doanh gần như gắn liền với diễn biến của thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã công bố bức tranh kinh doanh kém sắc, một phần do ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động tự doanh trong quý II, hay hoạt động môi giới "ế ẩm". Chẳng hạn mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, HNX: BVS) cho biết tổng doanh thu hoạt động trong quý II giảm 32% cùng kỳ xuống 234,5 tỷ đồng.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ; doanh thu từ cho vay và phải thu hạch toán 106 tỷ đồng, giảm 3,6% so với quý II/2021; doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm 41% xuống 80 tỷ đồng; thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán của BVSC đạt chỉ 2,6 tỷ đồng, giảm mạnh 70%.

Tổng doanh thu giảm sâu nhưng chi phí hoạt động vẫn tăng gần 17% lên 160 tỷ đồng trong quý này. Nguyên nhân chính là vì mảng tự doanh, khi mà quý II vừa qua BVSC đã thực hiện bán "cắt lỗ" cả danh mục cổ phiếu lẫn trái phiếu. Với cổ phiếu niêm yết, công ty đã bán "cắt lỗ" hơn 7,5 triệu đơn vị với trị giá gần 345 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ hơn 9 tỷ đồng; tương tự là với danh mục trái phiếu hơn 500 tỷ đồng, việc "cắt lỗ" đã khiến BVSC lỗ 13,5 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của BVSC giảm 82% xuống còn 19,5 tỷ đồng trong quý II. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất theo quý hai năm gần đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm gần 60%, về mức 80 tỷ đồng.

Tương tự, mặc dù ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong quý II của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là 1.350 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song lợi nhuận trước thuế của TCBS vẫn giảm 17% so với quý II năm ngoái xuống 830 tỷ đồng.

Lý do là bởi chi phí dịch vụ khác tăng hơn 3 lần lên 160 tỷ đồng, đồng thời chi phí lãi vay cũng tăng gần 3 lên 156 tỷ đồng, là các tác nhân chính khiến lợi nhuận trong quý này bị "bào mòn".

Nhưng nhờ ba tháng đầu năm làm ăn khởi sắc, lũy kế hai quý đầu tiên của TCBS vẫn chứng kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 9% cùng kỳ, đạt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Quy mô cho vay margin của TCBS cũng giảm từ 16.000 tỷ đồng ở cuối quý I, về còn 13.900 tỷ đồng ở quý II, tức giảm hơn 2.100 tỷ đồng, là mức giảm mạnh nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cũng là công ty chứng khoán công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm khá nặng nề, chỉ với gần 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được tạo ra trong quý II, thấp hơn một nửa cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng doanh thu hoạt động cũng "giật lùi" về 321 tỷ đồng, giảm gần 10%.

Nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm 24% so với cùng kỳ, chỉ còn 404 tỷ đồng. VIX cũng siết lại hoạt động cho vay margin. Giảm giá trị từ 2.340 tỷ đồng hết quý I, xuống còn hơn 640 tỷ đồng, tương đương gần 1.700 tỷ đồng.

Trước một thị trường diễn biến buồn tẻ, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco, HoSE: AGR) báo cáo lợi nhuận trước thuế "bay hơi" 90% cùng kỳ, về mốc 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng doanh thu hoạt động của công ty vẫn đạt 86 tỷ đồng, giảm 5% do các hoạt động môi giới, tự doanh sụt giảm.

Tác nhân chính làm giảm lợi nhuận của Agriseco trong quý II là do hao hụt nguồn lợi nhuận khác, cùng với việc tổng chi phí gia tăng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Agriseco ghi nhận tổng doanh thu giảm 3% về 188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 75% về 72 tỷ đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (HNX: EVS) là công ty chứng khoán hiếm hoi cung cấp cho nhà đầu tư kết quả kinh doanh quý II khả quan cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. 

Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động của EVS là 343 tỷ đồng, tăng 36% so với quý II/2021. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đóng góp 200 tỷ đồng (tăng 70%); doanh thu từ cho vay và phải thu là 36 tỷ đồng, tăng 69% cùng kỳ; doanh thu môi giới chứng khoán là 20 tỷ đồng, giảm 27% cùng kỳ; thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đạt 83 tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ.

Mặc dù chi phí hoạt động tăng 69% cùng kỳ lên 176 tỷ đồng, nhưng EVS vẫn giữ vững tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý II ở mức 9%, đạt gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế vẫn thấp hơn 20% quý II/2021, đạt gần 178 tỷ đồng.

Nhận định về tương lai thị trường 6 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) có quan điểm khá lạc quan và tin rằng thị trường sẽ tăng điểm ở giai đoạn này. Yuanta cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán có thể đã chạm đáy và đà tăng có thể sẽ phục hồi rõ ràng vào nửa cuối năm.

Và từ đó, các công ty chứng khoán sẽ là những đại diện được hưởng lợi khi thị trường tăng lên do các hoạt động của thị trường phần lớn neo theo xu hướng của thị trường. Sự tương quan đã thể hiện sâu sắc thông qua giá cổ phiếu so với thanh khoản thị trường cũng như so với chỉ số VN-Index trong thời gian qua.

Triển vọng tích cực của thị trường một phần được hỗ trợ bởi khoảng 3 tỷ USD vốn được bổ sung vào nguồn cho vay ký quỹ khi các công ty chứng khoán tăng vốn cổ phần. Đây là động lực giúp thúc đẩy hoạt động thị trường và cả lợi nhuận của các công ty chứng khoán.

Trong khi đó, Yuanta nhận định ngành chứng khoán mang tính chu kỳ cao, thâm dụng vốn và các nhà đầu tư nên cân nhắc xem liệu tăng trưởng EPS có tương ứng với mức định giá hay không. Với định giá P/B lũy kế thấp hơn 2 lần và ROE dài hạn kỳ vọng đạt khoảng 15-20%, Yuanta cho rằng ngành chứng khoán hiện đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư có thể “đặt cược” vào khuyến nghị tích cực mang tính chiến lược của công ty chứng khoán này. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu giao dịch cao hơn vùng đỉnh (tức P/B đạt từ 3 đến 4 lần, hoặc cao hơn), đó sẽ là thời điểm thích hợp để chốt lời cổ phiếu.

Tin mới lên