Bất động sản

Loạt dự án giao thông lớn sắp được ưu tiên đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long

(VNF) - Giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.

Loạt dự án giao thông lớn sắp được ưu tiên đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long về đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, cử tri tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần quan tâm đầu tư, xây dựng, nhiều hơn nữa đối với các tuyến giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế vùng hiện nay.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.

Theo Bộ GTVT, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ngang mức bình quân chung cả nước, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên (nhiều sông lớn, nền đất yếu...) nên thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư được thấp hơn so với mức đầu tư tương ứng của các khu vực khác.

Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Để phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong các quy hoạch nêu trên, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.

Cụ thể, các dự án được kiến nghị ưu tiên bao gồm: đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ; đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng.

Ngoài ra còn có các dự án khác như nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; nâng cấp 3 tuyến đường thủy nội địa (kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2025, với dự kiến tổng vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao là 252.694 tỷ đồng (221.428 tỷ đồng vốn trong nước và 31.267 tỷ đồng vốn nước ngoài), Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong văn bản này, Bộ GTVT cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác. 

Vì sao tiến độ xây đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long chậm?

Hồi cuối năm 2020, khi trả lời về vấn đề vì sao vừa qua việc xây dựng đường cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ rất thấp so với vùng khác, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (đã miễn nhiệm từ ngày 7/4/2021) cho biết do đặc điểm khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi; thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Tin mới lên