Bất động sản

Loạt dự án nào 'bất động' bị Quảng Bình đưa vào thanh tra trong năm 2023?

(VNF) - Có 23 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đưa vào diện thanh tra trong thời gian tới.

Loạt dự án nào 'bất động' bị Quảng Bình đưa vào thanh tra trong năm 2023?

Nhiều dự án tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đang "hoang lạnh" giữa bán đảo Bảo Ninh, Quảng Bình.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023 của đơn vị này; mục đích thanh tra, kiểm tra là để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường…

Cụ thể, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp với Phòng Quản lý đất đai, Phòng Quản lý môi trường, Phòng Biển – Đảo và Tài nguyên nước, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các đơn vị được Nhà nước cho thuê đất.

Dự án Khu Resort Golden City của Công ty Cổ phần Golden City (Nghệ An) nằm cạnh trục đường Võ Nguyên Giáp của bán đảo Bảo Ninh – TP. Đồng Hới chậm tiến độ nhiều tháng nhưng chưa bị thu hồi...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, đối tượng thanh tra sẽ bao gồm 23 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; thời gian thực hiện trong quý I/2023.

Đáng chú ý, trong các dự án thuộc diện thanh tra, có 2 dự án do Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Quảng Bình làm chủ đầu tư tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới gồm Dự án Xây dựng khu resort 3 sao và Dự án xây dựng Khách sạn 5 sao Pullman.

Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Hưng có 5 dự án thuộc diện thanh tra gồm 3 Cửa hàng xăng dầu tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch); Dự án Xây dựng trạm dừng chân kết hợp di dời cửa hàng xăng dầu Phong Nha tại thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch); Dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh bão thuộc thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).

Ngoài ra, một số dự án du lịch cũng lọt “tầm ngắm” thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường như: Dự án Khách sạn Đức Ninh Đông (Công ty Xây dựng và Thương Mại Minh Đức); Khách sạn Coco’s Botique tại phường Đồng Phú (Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Hoàng Gia Phát); Khu du lịch sinh thái Phong Nha Eco Stay tại thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (Công ty TNHH Phong Nha Green Travel); Khu nghỉ dưỡng kết hợp trang trại tại thôn Na, xã Sơn Trạch (Công ty Thương mại và Dịch vụ Sơn Thắng)…

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, vào cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã có chỉ đạo chỉ đạo số 2103/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định Luật Đất đai năm 2013.

UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý, hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các công trình, dự án có vi phạm. Kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng. Đồng thời, tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở, UBND tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay, qua rà soát của các sở ban ngành liên quan, hiện tỉnh Quảng Bình có 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỷ lệ 22,7% tổng số dự án trên địa bàn.

Trong đó, trong phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp có 16 dự án đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng đang chậm tiến độ (trong đó có 7 dự án chưa thực hiện triển khai thi công). Một số dự án điển hình như: Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình tại KCN Cảng biển Hòn La của Công ty TNHH Nguồn lực Dohwa (tổng mức đầu tư 11 triệu USD; diện tích 3ha); Trung tâm thương mại Cha Lo kết hợp điểm dừng chân và điểm bán xăng dầu tại KKT Cha Lo của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hưng Phát (tổng mức đầu tư 59,7 tỷ đồng; diện tích 1,12ha).

Ngoài phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp có 87 dự án, bao gồm 39 dự án chưa triển khai thi công hạng mục nào cả, điển hình như: Dự án Khu Du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh (tổng mức đầu tư 425 tỷ đồng; diện tích 4,25 ha) của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình; Dự án Khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hà Nội (tổng mức đầu tư 147 tỷ đồng; diện tích 0,47 ha) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cát Biển  Quảng Bình; Dự án Xây dựng khu khách sạn sinh thái tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới của Công ty cổ phần Delta (tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng; diện tích 4,75 ha); Dự án Khu Resort Golden City tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới của Công ty CP Golden City (tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng; diện tích 9,1 ha)…

Tin mới lên