Thị trường

Loạt dự án thua lỗ khiến lãnh đạo hóa chất bị kỷ luật giờ ra sao?

(VNF) - 4 dự án thua lỗ hơn 4.200 tỷ của Tập đoàn Hóa chất đến nay vẫn ngổn ngang, chưa có lối thoát. Trong khi đó, lãnh đạo Vinachem qua các thời kỳ lần lượt bị đề nghị kỷ luật nặng.

Loạt dự án thua lỗ khiến lãnh đạo hóa chất bị kỷ luật giờ ra sao?

Dự án đạm Ninh Bình có vốn đầu tư 12.000 tỷ.

4 dự án bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương điểm mặt là dự án đạm Ninh Bình (vốn đầu tư 12.000 tỷ), dự án đạm Hà Bắc (hơn 10.000 tỷ), DAP Lào Cai (5.200 tỷ), DAP Hải Phòng (172 triệu USD).

Tổng lỗ của 4 nhà máy này theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hơn 4.200 tỷ.

4 nhà máy này nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Sau nhiều họp hành, chỉ đạo, 4 dự án vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho hay, tính đến hết tháng 8/2017 các dự án đã quay trở lại hoạt động ổn định với phụ tải trung bình đạt từ 75 - 90%. Thế nhưng ngoại trừ Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng đã có lợi nhuận không đáng kể (khoảng 4 tỷ đồng trong tháng 8) thì các nhà máy còn lại vẫn lỗ nặng, tồn kho lớn. 

Nhà máy lỗ nhiều nhất trong tháng 8 vẫn là đạm Ninh Bình, lỗ 68 tỷ đồng, hàng tồn kho còn khoảng gần 33.000 tấn; đạm Hà Bắc lỗ 35 tỷ đồng và hàng tồn kho là 8.500 tấn. DAP số 2 Lào Cai dù tồn kho chưa tới 7.500 tấn nhưng cũng lỗ đến 50 tỷ đồng.

Để "cứu" các dự án này, một loạt chính sách đã được các bộ, ngành đưa ra.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý với đề xuất điều chỉnh mức trích khấu hao trong 3 năm 2017, 2018 và 2019 đối với 3 dự án là Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.

Ngoài ra, mới đây Bộ Công Thương cũng đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với một số mặt hàng phân bón MAP và DAP. Điều này nhằm hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy thuộc Tập đoàn Hóa chất.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang đề nghị cho phép đưa sản phẩm của những nhà máy này vào diện chịu thuế giá trị gia tăng. Bởi nếu sản phẩm phân bón của những nhà máy này không chịu thuế giá trị gia tăng thì sẽ không được khấu trừ, khiến giá thành sản phẩm làm ra cao, khó cạnh tranh.

Nhưng điều này muốn thực hiện được thì phải sửa Luật số 71/2014/QH13 và đây là vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Đạm Hà Bắc lỗ 35 tỷ đồng và hàng tồn kho là 8.500 tấn.

Một số dự án như đạm Ninh Bình cũng xin được hỗ trợ hoãn, giãn trong việc trả nợ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc. Thế nhưng mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản không đồng ý hoãn, giãn nợ khoản vay này và yêu cầu Tập đoàn Hóa chất tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ, tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng trong nước để hoãn, giãn nợ vay trong nước.

Tuy nhiên điều đó cũng không dễ. Theo tìm hiểu, các nhà máy này còn có những khoản vay Ngân hàng Phát triển việt Nam (VDB), cho nên đã đề nghị cơ cấu lại nợ. Nhưng căn cứ theo các quy định hiện hành thì các tổ chức tín dụng không thể cơ cấu nợ như đề xuất của Tập đoàn Hóa chất và các dự án.

Để xảy ra những hậu quả này, lãnh đạo Vinachem qua các thời kỳ phải chịu trách nhiệm.

Tính đến nay, 3 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai vẫn chưa thể hoàn thành quyết toán dự án. Thậm chí, Bộ Công Thương còn tính đến khả năng xấu nhất là nhà thầu EPC có thể khiếu kiện, nên đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ các vấn đề của dự án, chủ động nghiên cứu phương án tìm kiếm đơn vị tư vấn pháp lý nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Để 4 nhà máy có giá trị đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng lâm cảnh lao đao, một loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Vinachem đã bị đề nghị kỷ luật.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy Vinachem nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số cá nhân gồm ông Nguyễn Anh Dũng, bí thư Đảng ủy, chủ tịch tập đoàn; ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT tổng công ty, nguyên chủ tịch HĐTV tập đoàn; ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT tổng công ty; ông Đỗ Duy Phi, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc tập đoàn.

Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng.

Căn cứ quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Tuấn; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đỗ Quang Chiêu và ông Đỗ Duy Phi.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Vinachem.

Tin mới lên