Tiêu điểm

Loạt khách sạn ven biển tại Đà Nẵng cấp tốc phòng chống trước giờ bão Noru vào

(VNF) - Sau thông tin bão sẽ vào các khu vực từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tiến hành công tác phòng chống bão. Nhiều vật dụng được tận dụng để gia tăng thêm sức chống chịu trước sức mạnh của cơn bão.

Theo thông tin dự báo thời tiết, vào 7h00 ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12h00 tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19h00 ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 170km về phía Đông Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. 
Dự báo trong 12 đến 24h00 tiếp theo, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.
Đến 7h00 ngày 28/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (118-149km/giờ), giật cấp 15. 
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.  
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.    
Trước tình hình trên, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có văn bản gửi giám đốc các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão; đảm bảo giữ gìn tài sản và an toàn tính mạng cho khách lưu trú và đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp.
Các đơn vị này phải bố trí nhân viên trực 24/24 giờ trên nguyên tắc "4 tại chỗ" trong thời gian diễn ra bão lũ để chủ động xử lý các tình huống phát sinh, duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai quận, huyện để cập nhật tình hình và triển khai thực hiện đảm bảo quy định.
Sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; phương án di dời khách vào nơi an toàn hoặc các khách sạn ở trung tâm thành phố khi cần thiết/có yêu cầu của chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các đơn vị này phải theo dõi thường xuyên lịch hoãn/hủy chuyến bay của các Hãng hàng không, phối hợp chặt chẽ các đơn vị lữ hành, các khu điểm, cơ sở cung ứng dịch vụ để thông tin cho khách đang lưu trú, khách đã đặt booking, dịch vụ…bố trí thời gian lưu trú/checkin/sử dụng dịch vụ hợp lý và thực hiện chế độ hoãn hủy phù hợp.
Trường hợp khách phải kéo dài thời gian lưu trú do bão Noru (chuyến bay bị hoãn/hủy…), đề nghị các cơ sở lưu trú đảm bảo công tác phục vụ, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho khách; tuyệt đối không để khách, nhân viên trong ca trực rời khỏi nơi lưu trú trong thời gian diễn ra bão cho đến khi bão tan, lưu ý công tác vệ sinh thực phẩm, an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của khách.
Ngoài ra, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch khu vực trung tâm thành phố và các cơ sở lưu trú được thiết lập làm địa điểm tránh trú bão cho du khách và người dân (nếu có) chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu về nhân lực, thực phẩm, nước uống…để sẵn sàng phục vụ khách và người dân tránh trú bão.
Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), đơn vị cũng đã khuyến cáo du khách trong thời gian bão đổ bộ không nên đi ra ngoài, không mở cửa sổ. Nếu cần giúp đỡ gì thì liên hệ với nhân viên khách sạn để được hỗ trợ. Du khách sẽ được phục vụ ăn uống đầy đủ tại khách sạn trong thời gian bão đổ bộ.
Bên cạnh đó, du khách có nhu cầu trả phòng trước thì khách sạn sẵn sàng làm thủ tục trả cho khách, không thu tiền những đêm còn lại. Còn những khách mà đặt phòng dịp này do bão không tới lưu trú được thì phía khách sạn sẽ tạo điều kiện cho khách thay đổi ngày hoặc bảo lưu số tiền khách đã đặt cọc để dịp khác tới lưu trú.
"Trong quá trình khách sạn triển khai phòng chống bão, du khách đang lưu trú tại khách sạn rất hiểu và vui vẻ hợp tác, không có phàn nàn nào cả. Riêng đối với du khách nước ngoài thì khách sạn bố trí nhân viên thông thạo ngoại ngữ giao tiếp với khách nói về tình hình cơn bão để du khách hiểu", ông Duẩn thông tin.
Theo ghi nhận của VietnamFinance tại đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt , nhiều khách sạn sáng nay đã tiến hành gia cố cửa. Nhiều vật dụng được tận dụng để gia tăng thêm sức chống chịu trước cơn bão.
Để tránh bão, nhiều du khách đã chọn cách rời thành phố, nhưng cũng có nhiều du khách không rời đi mà ở lại.
Từng đoàn du khách nước ngoài tại một khách sạn tại đường Võ Nguyên Giáp lên xe sau khi đã trả phòng.
Bên cạnh đó, không ít du khách buộc phải hủy phòng, không thể tiếp tục chuyến đi của mình, bởi ảnh hưởng của bão.

 

Tin mới lên