Ngân hàng

Loạt vướng mắc trong xử lý tranh chấp tín dụng

Các vướng mắc trong xử lý tranh chấp phát sinh trong hợp đồng tín dụng và tài sản bảo đảm (TSBĐ) thế chấp khoản vay đang tạo ra nhiều khó khăn và làm hạn chế hiệu quả xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Loạt vướng mắc trong xử lý tranh chấp tín dụng

Đang có nhiều vướng mắc trong xử lý tranh chấp tín dụng và tài sản bảo đảm. Ảnh minh họa.

Khúc mắc tranh chấp tín dụng

Khi bàn đến nội dung này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, việc xử lý nợ xấu và TSBĐ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đạt được những kết quả tích cực.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội ra đời, Chính phủ và các bộ, ngành liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao ban hành Nghị quyết 03 năm 2018 nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ban hành Hướng dẫn 25 năm 2022 về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng và nhờ đó tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng trên thực tế, quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án hiện còn một số vướng mắc, bất cập.

Qua nghiên cứu, rà soát, Hiệp hội Ngân hàng thấy rằng ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bấp cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án các cấp còn rất khác nhau và chưa có sự thống nhất. 

Cụ thể là trong việc xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, xác định địa chỉ của người bị kiện; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với TSBĐ; việc áp dụng quy định về lãi suất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án, về giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự. Đặc biệt liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình và đây cũng là vướng mắc mà các TCTD đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hỗ trợ có ý kiến bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhiều nhất.

Cần thiết phát triển thành án lệ

Thực tế trên đặt ra yêu cầu TAND Tối cao cần xem xét phát triển các bản án, quyết định của tòa án trong lĩnh vực ngân hàng phát triển thành án lệ và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Tổng Thư ký HHNH khẳng định, đây là những vấn đề thực sự cấp thiết mà các TCTD đang gặp phải, cần sớm được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc thu hồi nợ, xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu, nợ tồn đọng, nợ xấu tiềm ẩn của các TCTD vẫn đang tiếp tục phát sinh và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các TCTD đang tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi nợ, trong đó biện pháp tố tụng vẫn là lựa chọn cơ bản, chủ yếu.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, TAND Tối cao, Nghị quyết 03 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD... 

Tuy nhiên cho đến nay, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến TSBĐ của khoản nợ xấu vẫn còn hạn chế. Hầu hết các tranh chấp liên quan đến TSBĐ thường rất phức tạp nên không được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà vẫn theo thủ tục tố tụng thông thường.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh cũng đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, TSBĐ như: Đánh giá tính khả thi của quy định về áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về TSBĐ của khoản nợ xấu; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trong việc tạo cơ chế xử lý nợ xấu tại tòa án; đặc biệt là đồng bộ các cơ chế quy định về quản lý, đăng ký TSBĐ.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất, quyền sử dụng đất đáp ứng yêu cầu công khai, tra cứu thông tin, phòng tránh rủi ro, tranh chấp và bảo đảm ổn định quan hệ sử dụng đất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ban hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin đối với các vụ việc mà Tòa án giải quyết; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác minh, thẩm định của TCTD đối với TSBĐ.

Tin mới lên