Tài chính

Lộc Trời thu hút nhà đầu tư Thái Lan, PV Oil sắp IPO với giá 29.740 đồng/cổ phiếu

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, Lộc Trời mới đây đã có cuộc họp riêng với 7 quỹ hàng đầu Thái Lan và 40 nhà đầu tư để giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu tại công ty này. Trong khi đó, PV Oil được ước tính có mức giá cổ phiếu là 29.740 đồng/cổ phiếu trong đợt IPO cuối năm 2017.

Lộc Trời thu hút nhà đầu tư Thái Lan, PV Oil sắp IPO với giá 29.740 đồng/cổ phiếu

Năm 2017, PV Oil có thể đạt biên lợi nhuận tốt hơn do không còn áp dụng điều tiết với nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Lộc Trời ước tính chịu lỗ khoảng 100 tỷ đồng ở mảng gạo

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã tổ chức một buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu tại công ty này ở Thái Lan. Theo đó, Lộc Trời đã có cuộc họp riêng với 7 quỹ hàng đầu Thái Lan và 40 nhà đầu tư cá nhân.

Với chuyên môn vốn có về ngành gạo, các nhà đầu tư Thái Lan rất quan tâm đến chuỗi giá trị gạo của Lộc Trời. Các nhà đầu tư cho rằng, yếu tố tác động chính đến mảng kinh doanh gạo của Lộc Trời là nguồn hỗ trợ từ chính phủ thấp, cùng với việc thương hiệu gạo của Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế. Họ cũng bày tỏ lo ngại về rào cản chính trị khi xuất khẩu gạo, điển hình là việc Phillipines tạm ngừng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Thêm vào đó, do Lộc Trời niêm yết trên sàn UPCoM với thanh khoản tương đối thấp và chưa đáp ứng đủ yêu cầu bắt buộc của một số quỹ, khiến các quỹ chưa có cơ hội đầu tư vào công ty. Lộc Trời đã lên kế hoạch chuyển sang sàn HOSE. Phương án này sẽ được trình thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2018.

SSI dự báo, doanh thu thuần năm 2017 và 2018 của Lộc Trời lần lượt đạt 8.690 tỷ đồng (tăng 11,7%) và 8.816 tỷ đồng (tăng 1,4%). 

Về kế hoạch trung hạn, Lộc Trời tập trung tái cơ cấu mạng lưới phân phối nhằm cải thiện mảng thuốc bảo vệ thực vật (CPC) và mảng giống. Trong khi đó, việc điều chỉnh diện tích trồng tương ứng với tiến độ bán gạo sẽ giúp công ty này quản lý hàng gạo tồn kho hiệu quả hơn, giúp mảng gạo hòa vốn vào năm 2018. Lộc Trời ước tính phân khúc này chịu lỗ khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2017 (so với lỗ 220 tỷ đồng trong năm 2016) và hòa vốn vào năm 2018.

Trong dài hạn, Lộc Trời dự kiến hợp tác với Hunan Yuan Science Technology (Công ty TNHH Phát Triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam), đây sẽ là một yếu tố có lợi giúp phân khúc gạo phát triển. Hunan Yuan Science Technology được thành lập bởi Yuan Longping, người tạo ra giống lúa lai đầu tiên tại Trung Quốc.

Theo đó, Lộc Trời sẽ hợp tác với Hunan Yuan Science Technology để tạo ra giống lúa lai phù hợp với nhu cầu của người dân Trung Quốc, giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường này. Hunan Yuan Science Technology sẽ chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu gạo và bán gạo ở Trung Quốc.

Ngoài ra, đối với phân khúc gạo, Lộc Trời cũng đặt mục tiêu cải thiện quản lý hàng tồn kho bằng cách điều chỉnh diện tích trồng lúa tương ứng với doanh thu bán gạo để tránh tình trạng trữ tồn kho gạo cao. Năm 2017, diện tích trồng sẽ giảm xuống còn 30.000 ha từ 60.000 ha trong năm 2016.

SSI dự báo, doanh thu thuần năm 2017 và 2018 của Lộc Trời lần lượt đạt 8.690 tỷ đồng (tăng 11,7%) và 8.816 tỷ đồng (tăng 1,4%). Lợi nhuận ròng ước tính ở mức 428 tỷ đồng (tăng 22%) trong năm 2017 và 507 tỷ đồng (tăng 18,4%).

Giá cổ phiếu PV Oil vào khoảng 29.740 đồng/cổ phiếu

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) dự kiến sẽ IPO vào cuối năm 2017. Sau đó, PV Oil sẽ có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán trong nước ngay sau khi đáp ứng đủ điều kiện niêm yết và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận niêm yết cổ phiếu theo quy định. IPO của PV Oil được rất nhiều nhà đầu tư trông chờ do sự kiện này đánh dấu bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa dần thị trường xăng dầu trị giá khoảng 6 tỷ USD của Việt Nam. Do vậy, các nhà đầu tư rất quan tâm đến mức giá cổ phiếu của PV Oil.

BVSC sử dụng phương pháp so sánh để xác định giá trị hợp lý của PV Oil, trong đó, đối tượng được sử dụng làm tham chiếu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Hiện nay, PLX và PV Oil là hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối bán lẻ xăng dầu với thị phần lần lượt là 50% và 19%. Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu PLX biến động tương đối mạnh, tăng 47,8% trong vòng 2 tháng đầu tiên (21/4/2017 – 26/6/2017) và sau đó ổn định kể từ cuối tháng 6 đến nay ở mức 63.000 – 68.000 đồng/cổ phiếu.

BVSC cho rằng, mức giá trong giai đoạn 3 tháng trở lại đây đã phản ánh tốt hơn yếu tố cung cầu tự nhiên của cổ phiếu cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư về giá trị nội tại và triển vọng của PLX. Do vậy mà giá trị vốn hóa của PLX đã được BVSC sử dụng làm tham chiếu để xác định giá trị hợp lý của PV Oil.

Vốn hóa của PLX theo giá đóng cửa ngày 25/9/2017 vào khoảng 74.859 tỷ đồng. Nếu xét tương quan giữa thị phần (thị phần của PLX là 50% và PV Oil là 19%) và quy mô vốn hóa thì giá trị vốn hóa của PV Oil sẽ vào khoảng 28.848 tỷ đồng, tương đương với giá trị cổ phiếu là 29.740 đồng/cổ phần.

Giá trị vốn hóa của PV Oil vào khoảng 28.848 tỷ đồng, tương đương với giá trị cổ phiếu là 29.740 đồng/cổ phần.

Năm 2017, PV Oil có thể đạt biên lợi nhuận tốt hơn do không còn áp dụng điều tiết với nhà máy lọc dầu Dung Quất. Kể từ 1/1/2017, theo Quyết định 1752/2016/QĐ – TTg, cơ chế thu điều tiết với nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được bãi bỏ. Theo đó, giá bán ra của nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không còn phải cộng thêm khoản thuế nhập khẩu là 20% đối với xăng và 7% đối với dầu. Do đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có mức giá tương đối cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc nhập hàng từ Dung Quất có một số lợi thế hơn so với hàng nhập khẩu như chi phí vận chuyển thấp hơn, rủi ro chênh lệch tỷ giá được hạn chế. Với phần lớn nguồn nguyên liệu được nhập từ Dung Quất, PV Oil có thể cải thiện được biên lợi nhuận gộp năm 2017. Trong kịch bản giá bán ra của Dung Quất có thể giảm được khoảng 5% thì biên lợi nhuận gộp của PV Oil có thể cải thiện lên mức 8 – 10% từ mức 6 – 7% của năm 2015 và 2016.

Tin mới lên