Tài chính

Lợi nhuận 2.277 tỷ, ACV vẫn ‘kêu khổ’ vì… không thể thu hồi vốn đầu tư

(VNF) - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT "than thở" về mức giá dịch vụ quá thấp, khiến công ty không thể thu hồi vốn đầu tư.

Lợi nhuận 2.277 tỷ, ACV vẫn ‘kêu khổ’ vì… không thể thu hồi vốn đầu tư

Bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn giữa ACV và các hãng hàng không

So sánh với "hàng không nhà người ta"

Văn bản ACV gửi Bộ GTVT cho rằng, cơ chế chính sách giá liên quan đến vận tải hàng không nội địa hiện nay đang có nhiều bất cập.

Cụ thể, toàn bộ chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không cũng như chi phí khai thác (chi phí đầu vào của ACV) đều tính theo giá thị trường, song doanh thu (đầu ra) của ACV lại chủ yếu do Nhà nước quy định về giá (khoảng 70%).

ACV cho rằng chính sách giá hiện nay là không hợp lý. Giá dịch vụ hàng không quốc nội đang thấp hơn rất nhiều so với giá dịch vụ hàng không quốc tế, cũng như chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác.

Chứng minh cho điều này, ACV đưa ra bảng giá so sánh. Theo đó, giá phục vụ hành khách quốc nội tại Việt Nam chỉ bằng 12-15% giá phục vụ hành khách quốc tế, trong khi các nước trong khu vực thì giá phục vụ hành khách quốc nội bằng 40-60% giá phục vụ hàng không quốc tế. Giá hạ cất cánh quốc nội chỉ bằng 34% giá hạ cất cánh quốc tế, trong khi chi phí đầu tư và khai thác như nhau.

Giá dịch vụ sân đỗ tàu bay giữa hãng hàng không trong nước và quốc tế cũng đang cách biệt quá lớn, như ở Tân Sơn Nhất, doanh thu được từ Vietnam Airlines cho 27-30 tàu bay đậu lại hàng ngày là 4,06 tỷ đồng/năm; thu từ Vietjet Air cho 11-12 tày bay đậu lại hằng ngày là 1,96 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, thu từ hãng hàng không ngoại Emirates là 6,5 tỷ đồng/năm cho trung bình 1 tàu bay đậu lại (khoảng 4,5 giờ/ngày).

"Chính sách giá như hiện nay sẽ tác động không tốt đối với tình hình sản xuất kinh doanh của ngành vận tải hàng không, trong đó có ACV", văn bản viết.

Để cụ thể hóa "tác động không tốt" này, ACV cho biết lợi nhuận thuần của doanh nghiệp năm 2015 chỉ đạt 2.277 tỷ đồng!

Trong đó, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ hàng không là 185,7 tỷ đồng. Theo phân tích, mức lợi nhuận này chỉ chiếm 8,15% tổng lợi nhuận trước thuế, trong khi doanh thu từ dịch vụ hàng không chiếm hơn 80% tổng doanh thu của ACV trong năm 2015.

ACV "than thở": kinh doanh chính là khai thác hạ tầng hàng không, nhưng lợi nhuận lại đến từ đầu tư tài chính và hoạt động khác.

"Tố" các hãng hàng không làm tăng gánh nặng

Theo nhìn nhận của ACV, chính sách giá hiện nay là ưu đãi các hãng hàng không trong nước bằng hình thức bù lỗ chi phí đầu vào thông qua mức giá dịch vụ hàng không nội địa bị Nhà nước khống chế.

Khoản bù lỗ chi phí này, Nhà nước "trút" hết lên đầu ACV khiến công ty "không thể có nguồn lợi nhuận ổn định từ dịch vụ hàng không, nhằm tích lũy tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng".

Không chỉ vậy, ACV cũng "tố" các hãng hàng không, do được hưởng nhiều ưu đãi đã phát triển đội bay quá nhanh khiến hạ tầng "chạy theo không kịp" dẫn đến sự quá tải ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh.

Ngoài ra, ACV còn cho rằng việc các hãng hàng không trong nước thực hiện chính sách giảm giá vé tàu bay để tăng thị phần, sản lượng, giúp tăng doanh thu của các hãng hàng không nhưng điều này sẽ làm méo mó thị trường vận tải, đặc biệt là lãng phí về các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ.

Nhưng quan trọng hơn cả là khi vé giảm, hãng bay có thêm doanh thu, còn ACV thì đã chẳng thu thêm được đồng nào lại còn phải "oằn mình" gánh áp lực hạ tầng.

Công ty này than thở: "Đối với cơ chế giá hiện nay thì ACV không thể thu hồi vốn đầu tư".

Kiến nghị tăng giá

Với những "bất cập" như đã nêu ra ở trên, ACV kiến nghị Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh giá hạ cất cảnh quốc nội, tăng lên bằng 50% giá hạ cất cánh quốc tế.

Công ty này cho rằng, mặc dù mức giá hạ cất cánh quốc nội so với quốc tế bằng 47% nhưng do biến động tỷ giá từ 2000 đến 2016, tỷ trọng giữa mức thu giá hạ cất cánh chuyến bay quốc nội so với quốc tế đã giảm từ 47% chỉ còn khoảng 34%.

Mặt khác, ACV tính toán, thời điểm hiện nay, giá thành dịch vụ hạ cất cánh chuyến bay quốc nội bình quân là 8,09 triệu đồng/chuyến bay, trong khi mức thu hạ cất cánh trung bình năm 2015 mà ACV thu được là 2,5 triệu đồng/chuyến, thấp hơn rất nhiều so với giá thành.

Cùng với đó, ACV kiến nghị tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội 2 năm/lần để công ty cải tạo hệ thống hạ tầng nhà ga nội địa đã quá tải trong điều kiện sản lượng hành khách quốc nội tăng đột biến liên tục trong các năm qua.

Ngoài ra, ACV cũng đề xuất từ 1/1/2017 điều chỉnh mức giá phục vụ hành khách nội địa, tăng từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng/hành khách, tương đương với 21,16% so với giá phục vụ hành khách quốc tế.

Bên cạnh đó, bổ sung thu dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu cách ly (xăng dầu hàng không, suất ăn hàng không...).

Đồng thời, thay đổi chính sách giá sân bay căn cứ đối với giá dịch vụ sân đậu, tàu bay. Doanh nghiệp này cho hay, với chính sách giá hiện tại, ACV chỉ có thể thu được từ các hãng hàng không trong nước 162 triệu đồng/năm cho 1 tàu bay hạng trung và 192 triệu đồng/năm cho 1 tàu bay hạng lớn. Trong khi chi phí đầu tư và khai thác cho 1 vị trí sân đậu là 4,57 tỷ đồng/năm.

"Với mức thu như hiện nay thì ACV không bao giờ có khả năng để thu hồi được vốn đầu tư cho các dự án sân đậu bổ sung mới, thậm chí doanh thu không đủ để bù đắp chi phí hoạt động", văn bản viết.

Tin mới lên