Ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng: Lo cho 2019

Dù không được nới room tăng trưởng tín dụng, các nhà băng vẫn cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh tích cực năm 2018, nhờ sự đóng góp lớn của dịch vụ và bancassurance vào tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, cùng với đó có không ít tín hiệu thể hiện việc duy trì được mức lợi nhuận này trong năm tới sẽ không dễ dàng.

Lợi nhuận ngân hàng: Lo cho 2019

Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, VPBank, ACB cũng nhận được những dự báo lợi nhuận tích cực. (Ảnh minh họa)

Sắp cán đích lợi nhuận 2018

Tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 nhưng lãnh đạo một số ngân hàng tiết lộ việc sắp cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng có vốn trên 5.000 tỷ đồng cho biết đến hết tháng 9/2018, ước tính lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, so với mục tiêu năm 2018 vào khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, VPBank, ACB cũng nhận được những dự báo lợi nhuận tích cực.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ khả quan. Dù tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn so với năm 2017 nhưng lợi nhuận được dự báo tăng khoảng 20 - 25%.

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) nhận định năm 2018 vẫn là “năm tăng trưởng đặc biệt” của ngành ngân hàng. Do vậy, theo HSC chính sách thắt chặt hơn với tín dụng có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng nhưng không đáng kể.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết được dự báo sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 30% trước đó.

Thực tế cho thấy dù tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch, ảnh hưởng một phần đến thu nhập lãi thuần nhưng tỷ lệ NIM (thu nhập lãi cận biên), thu nhập ngoài lãi đang tăng lên.

Trong đó, mảng dịch vụ đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho Vietcombank (VCB), VPBank, Techcombank…

Ngoài ra, các ngân hàng còn có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên đáng kể từ việc bán các khoản đầu tư theo lộ trình thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Cụ thể, Vietcombank (VCB) được dự báo sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Eximbank và MB. Hiện VCB đã công bố bán phần vốn tại 2 nhà băng nói trên. Trước đó, ngân hàng này đã thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Saigonbank; Công ty Tài chính Xi Măng và OCB. Eximbank cũng thu về khoảng 700 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.

Theo đó, 9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã vượt xa so với cả năm 2017, ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng và được giới phân tích dự báo sẽ đạt trên 14.000 tỷ đồng cuối năm nay, so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là 12.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán lợi nhuận sau thuế của Techcombank năm nay có thể đạt 8.243 tỷ đồng, so với kế hoạch là 8.000 tỷ đồng. Bởi ngân hàng này đang đứng đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm với 25% thị phần, bỏ xa các nhà băng khác trong mảng bancassurance hiện nay.

Nửa đầu năm nay, đã có không ít ngân hàng hoàn thành hơn 1/2 mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm như: MB hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận năm; Techcombank đạt hơn 50%; ACB đạt 55%; OCB hoàn thành 58% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cả năm nay là 2.000 tỷ đồng trước thuế.

Sự phục hồi của các ngân hàng được giám đốc nghiên cứu một quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá sẽ mạnh mẽ hơn trong năm tới, khi chất lượng tài sản tốt lên và hoàn nhập được dự phòng lớn, nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Từ đó, lợi nhuận cũng được kỳ vọng ở mức tích cực hơn so với những năm trước đây.

Thách thức trong năm 2019

HSC đưa ra dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8%, nhờ lĩnh vực này vẫn đang trong xu hướng đi lên, dù điều kiện tín dụng có thể bị siết chặt hơn.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính, không phải lợi nhuận của nhà băng nào cũng sẽ tăng trưởng theo chiều hướng tích cực trong năm nay và kể cả những năm tới.

Trong đó, những nhà băng nhỏ, yếu kém và khó xử lý nợ xấu như: Saigonbank, VietABank… khó kỳ vọng có lợi nhuận cao.

Chuyên gia phân tích thị trường của StoxPlus cho biết trong nửa đầu năm 2018, khu vực ngân hàng đạt lợi nhuận ròng 35.524,84 tỷ đồng (1,53 tỷ USD), tương đương 64% thu nhập của các năm trước.

Nguyên nhân đạt lợi nhuận cao là nhờ cải thiện hiệu quả tài chính, tiến độ giải quyết nợ xấu được đẩy nhanh, số hóa hiệu quả và bancassurance phát triển mạnh. Vì thế, cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn trở lại. Đến tháng 9/2018, cổ phiếu “vua” đã tăng 22% kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, StoxPlus cảnh báo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng chưa được cải thiện đáng kể. Năm 2017, chỉ có 6 trong 14 ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm 613 triệu USD (tương đương 41% kế hoạch đặt ra).

Theo StoxPlus, tín dụng khó được kỳ vọng tăng cao quý cuối năm nay sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng khi lợi nhuận chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động này.

Trong bối cảnh này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 đạt mức cao nhưng tới đây sẽ chịu nhiều áp lực duy trì mức tăng trưởng như vậy.

Bởi tín dụng khó tăng cao, áp lực thực hiện Basel II buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động. Các nhà băng không thể đẩy mạnh tín dụng sẽ quay sang tập trung phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu song mảng này khó tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 9/2018 cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá trong quý III/2018, các nhân tố khách quan và chủ quan tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại so với quý trước.

Cụ thể, tình hình kinh doanh quý III/2018 có cải thiện hơn so với quý II/2018 với 72,6% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh tốt hơn, trong đó 15,8% nhận định là “cải thiện nhiều”. Trong thời gian tới, 80% tổ chức tín dụng cho rằng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý IV/2018 và 84,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2018 “cải thiện” hơn so với năm 2017.

Theo kết quả điều tra, dự kiến đến cuối năm 2018, 88,3% tổ chức tín dụng nhận định lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017, 5,3% tổ chức kỳ vọng lợi nhuận “không đổi” và 6,4% tổ chức lo ngại lợi nhuận “suy giảm” với lợi nhuận toàn hệ thống có thể tăng bình quân 18,63% trong năm 2018, thấp hơn so với mức kỳ vọng 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2018, nhưng cao hơn nhiều so với mức 13,63% tại cuộc điều tra cùng kỳ năm 2017.

Tin mới lên