Ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng vấp biến số khó lường

(VNF) - Các ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III/2022 so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, điều này sẽ khó lặp lại trong quý IV/2022, thậm chí các ngân hàng có thể bắt đầu ghi nhận sự suy giảm về mặt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận ngân hàng vấp biến số khó lường

Lợi nhuận ngân hàng vấp biến số khó lường

Lãi suất tăng, tín dụng giảm

Thông tin tích cực loé lên trên thị trường trong tuần đầu của tháng 10 là việc điều chỉnh hạn mức tín dụng, nhưng nó cũng nhanh chóng vụt tắt khi cơ quan quản lý chỉ cấp tín dụng cho 4 ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém là VPBank, MB, HDBank, Vietcombank.

Theo tính toán của VNDirect, đợt điều chỉnh này sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Với cập nhật tăng trưởng tín dụng năm 2022 của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống), sau đợt điều chỉnh room tín dụng cho 4 ngân hàng, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13,6% vào cuối năm. Với mục tiêu hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì 14%, điều này cũng gần như đồng nghĩa cơ hội điều chỉnh room tín dụng trong hệ thống là không còn.

Khi trao đổi về vấn đề này, các lãnh đạo ngân hàng cho biết, suy giảm lợi nhuận không chỉ đến từ tín dụng hạn chế mà còn từ lãi suất đang dâng cao. Diễn biến trên thị trường cho thấy, lãi suất đã bắt đầu tăng từ đầu quý III/2022 trước đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ảnh hưởng chênh lệch lãi suất tại Việt Nam và Mỹ vẫn chưa thể cân bằng các rủi ro.

Bên cạnh đó, nợ xấu của các ngân hàng khá cao do thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản suy giảm, ảnh hưởng ngắn hạn của Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân đã dẫn tới một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/9 đạt khoảng 10,96%, cao hơn 6% so với tăng trưởng huy động vốn.

“Bằng chứng cho những diễn biến trên là lãi suất liên ngân hàng đang gia tăng. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 1% là khá mạnh và khá sốc nhưng thực tế là lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước không có nhiều tác động thực thể lên thị trường tiền tệ.

Việc tăng trần lãi suất tiền gửi mới là động thái có ý nghĩa thực sự đối với thị trường tín dụng và trên thực tế lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi, cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lên xấp xỉ 0,5% trước đó. Vì vậy, việc tăng lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước có một phần hợp thức hoá xu hướng tăng lãi suất đã có từ nhiều tháng nay trên thị trường 1 và 2”, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, bình luận: “Trong bối cảnh Fed có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá, VND sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cho rằng có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,50% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,00% vào cuối quý I/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020”.

Đồng quan điểm lãi suất sẽ tăng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng qua kênh thị trường mở, đồng thời điều chỉnh linh hoạt lãi suất OMO ở mặt bằng cao trên cơ sở cân đối cung cầu vốn trên thị trường. Với các loại lãi suất điều hành khác, dự kiến cơ quan quản lý sẽ thận trọng quan sát thêm các dịch chuyển vĩ mô trên thị trường quốc tế cũng như trong nước và có thể xem xét điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 0,5%/năm một số loại lãi suất điều hành trong giai đoạn cuối năm.

Đà tăng trưởng lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng

“Tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2022 nhìn chung vẫn khả quan so với cùng kỳ song tốc độ tăng đã giảm đáng kể so với quý II/2022 bởi hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đã gặp những khó khăn trong quý III/2022 khi phải xoay xở trong hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo các ngân hàng sẽ không còn duy trì được sự tăng trưởng đáng kể trong quý IV/2022 và sẽ ghi nhận sự suy giảm về mặt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nói: “Chúng ta cần phải hiểu là tất cả các hoạt động đều phải theo quy luật thị trường, nếu lãi suất đầu vào cứ tiếp tục tăng thì lãi suất đầu ra không thể giữ nguyên. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng đang tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là các tổ chức tín dụng đang gồng gánh trong khả năng chịu đựng được, tuy nhiên nếu không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh lãi suất cho vay để phù hợp với hoạt động của ngân hàng”.

Cũng trong diễn biến có liên quan, báo cáo tài chính các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,34% vào cuối quý II/2022 so với mức 1,28% vào cuối năm 2021. Lo ngại về rủi ro nợ xấu tăng đột biến sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022 khi Thông tư 14 không còn hiệu lực vào cuối tháng 6/2022 đã được giảm nhẹ bởi chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ nhằm đối phó với rủi ro này.

“Tuy nhiên, dự báo hệ thống sẽ không còn duy trì được sự tăng trưởng đáng kể trong quý IV/2022 và thậm chí có thể bắt đầu ghi nhận sự suy giảm về mặt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, theo đó, nợ xấu sẽ khó được củng cố trên cơ sở bộ đệm dự phòng vững chắc và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như trước”, vị Tổng giám đốc trên dự báo.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2022 vừa được Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố, kết quả kinh doanh trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4% - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022 nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, mặc dù đa số dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021 nhưng vẫn có gần 7% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và khoảng 5% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Tin mới lên