Tài chính

Lợi nhuận ngành nào bật tăng mạnh trong quý II?

(VNF) - Ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý II là các ngành hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục và/hoặc giá cả hàng hóa gia tăng.

Lợi nhuận ngành nào bật tăng mạnh trong quý II?

Lợi nhuận ngành nào bật tăng mạnh trong quý II?

Tính đến hết tháng 7, đã có 674/1.738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM (chiếm 86,1% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quý II/2021. Trong đó bao gồm 26 ngân hàng (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) và 622 doanh nghiệp (chiếm 81,4% vốn hóa khối Phi tài chính).

Theo tổng hợp từ hãng nghiên cứu FiinGroup, trong quý II, khối Ngân hàng có thu nhập từ hoạt động kinh doanh duy trì tăng mạnh 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái (so với mức 28% của quý I) nhưng lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại, đạt 39,4% (so với mức 76,7% của quý I), do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của nhà nước bao gồm Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG).  

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế khối Phi tài chính duy trì tăng cao trong quý II; Cảng biển và Bán lẻ hồi phục ấn tượng.

Cụ thể, quý II/2021, khối doanh nghiệp Phi tài chính đạt 32,2% tăng trưởng doanh thu và 86,4% tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng ấn tượng của khối Phi tài chính đến từ 16/17 ngành, trong đó:

7 ngành có lợi nhuận tăng tốc, bao gồm Tài nguyên Cơ bản (tăng 337,6%), Hàng & Dịch vụ Công nghiệp (tăng 141,2%), Dầu khí (tăng 257%), Hàng cá nhân & Gia dụng (tăng 111,3%) và Bán lẻ (tăng 88,7%). Theo nhận định của FiinGroup, ngoại trừ Hàng & Dịch vụ công nghiệp, các ngành còn lại mang tính chu kỳ, hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục và/hoặc giá cả hàng hóa gia tăng. 

Ở chiều ngược lại, các ngành Tiện ích, Bất động sản, Thực phẩm & Đồ uống và Hóa chất ghi nhận lợi nhuận giảm tốc trong quý II này.

Ô tô phụ tùng là ngành duy nhất có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ (giảm 2,3%). Tuy nhiên, hiện mới có 7/15 doanh nghiệp (chiếm 48,7% vốn hóa ngành) công bố báo cáo tài chính quý II nên theo FiinGroup, sự sụt giảm này rất có thể sẽ đổi chiều nếu có thêm doanh nghiệp trong ngành công bố kết quả kinh doanh.

Tăng trưởng lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp Phi tài chính dù ở mức cao nhưng đã giảm tốc rõ rệt so với quý I

Xét đến các phân ngành nhỏ hơn, FiinGroup bày tỏ ấn tượng với sự trở lại mạnh mẽ của nhóm Cảng biển và Bán lẻ. Đây là hai nhóm có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong quý II cao hơn rất nhiều so với mức tăng của quý 1.

Với Cảng biển, doanh thu quý II của 20/45 doanh nghiệp (chiếm 62,5% vốn hóa ngành) tăng 70,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hồi phục mạnh so với mức giảm 13,4% trong quý I. Câu chuyện vẫn là nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính hồi phục sau Covid-19.

Doanh nghiệp đầu ngành Gemadept (GMD) ghi nhận tăng trưởng quý thứ 3 liên tiếp về doanh thu (tăng 23,6%) và thứ 2 liên tiếp về lợi nhuận sau thuế (tăng 38,8%).

Với ngành Bán lẻ, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng, lên đến 106,8% trong quý II, đóng góp bởi mức tăng 28,5% của doanh thu và biên lợi nhuận cải thiện từ 17% trong quý II/2020 lên 18,1% trong quý II/2021.

MWG có biên cải thiện nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nhưng cũng góp phần giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt trội so với doanh thu. Doanh nghiệp trong ngành Bán lẻ khác là DGW cũng có câu chuyện tương tự. Nhờ cắt giảm chi phí bán hàng, biên lợi nhuận EBIT của DGW tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 140,3% trên nền doanh thu tăng thấp hơn (63,3%).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Cảng biển và Bán lẻ đã thu hút được dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư trong các tuần gần đây. Những cổ phiếu đầu ngành như GMD, PHP, SGP, HAH (Cảng biển) và MWG, DGW, FRT (Bán lẻ) có mức tăng giá cao hơn so với VN-Index.  

Trong khi đó, ngành Bất động sản duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao (tăng 90,8%) là điều không quá bất ngờ đối khi mà mà ông lớn đầu ngành như Vinhomes (VHM), chiếm 33% vốn hóa ngành, có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản có quy mô nhỏ và vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tốt nhờ đẩy mạnh bàn giao dự án trong quý II, bao gồm PDR (tăng 107,6%), DXG (tăng 202,3%), HDC (tăng 78,7%).

Với riêng các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II/2021 giảm tốc so với mức tăng của quý I (60,1% so với 73,1%).

Tin mới lên