Bất động sản

'Lối thoát' tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ có khoảng 74 triệu USD để hoàn thiện 5 gói thầu xây lắp thuộc đoạn tuyến phía tây vốn bị dừng thi công do thiếu vốn từ năm 2019.

'Lối thoát' tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Gói thầu J3 xây dựng cầu Bình Khánh bị dừng tiến độ do thiếu vốn từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: A.M

Chờ thẩm định vốn

Theo thông tin của phóng viên, cuối tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 27/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Tài chính liên quan đến quá trình thẩm định việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE), Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, sớm hoàn thành thủ tục thẩm định việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB lần 2 (3391-VIE) cho các hạng mục bị thiếu vốn tại dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Đây là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng hoàn thành, đưa vào khai thác dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào ngày 31/12/2023”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Việc sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu tại Hiệp định l3391- VIE trị giá khoảng 74 triệu USD để hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT đề xuất lên cấp có thẩm quyền phê duyệt từ tháng 8/2020. Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE).

Bộ GTVT cũng muốn Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư từ Hiệp định vay ADB để thực hiện các hạng mục nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí do không được sử dụng nguồn vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Được biết, tổng giá trị dự kiến các hạng mục nói trên khoảng 74 triệu USD, trong đó, phần vốn dự kiến chi cho các gói thầu xây lắp, tư vấn chưa hoàn thành trong thời gian có hiệu lực của khoản vay Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) khoảng 67,42 triệu USD và các hạng mục xây dựng các nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí… phục vụ công tác thu phí hoàn vốn dự án với giá trị khoảng 6,6 triệu USD.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 7/2014, theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 2018. Dự án được chia làm 3 phân đoạn, trong đó đoạn giữa (chủ yếu là các cầu vượt sông lớn) và đoạn đường phía tây và phía đông.

Theo VEC, đoạn 1 (phía tây) dài 21,1 km, gồm 5 gói thầu là A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 sử dụng vốn vay của ADB thông qua Hiệp định vay lần 1 số 2730-VIE trị giá khoảng 350 triệu USD. Do hiệp định vay này đã hết hiệu lực sau ngày 30/6/2019, nên các gói thầu đã dừng thi công từ tháng 7/2019 khi khối lượng thi công đạt 87,2%, giải ngân được 50,62% hiệp định vay.

Đoạn 2 (giữa) dài 10,7 km chủ yếu là các cầu lớn vượt sông, có độ phức tạp rất cao về kỹ thuật, gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3, sử dụng vốn vay ODA của JICA. Các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn, khối lượng thi công đạt 84,6%.

Đoạn 3 (phía đông) dài 25,3 km, gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7, sử dụng vốn vay ADB thông qua Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE trị giá khoảng 297 triệu USD đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Đây là 3 gói thầu duy nhất được bố trí vốn để các nhà thầu triển khai thi công, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, khối lượng thi công đạt khoảng 50% và đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi dịch Covid-19.

Về bản chất, việc sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thiện các gói thầu xây lắp thuộc Hiệp định vay lần 1 số 2730-VIE và các hạng mục xây dựng các nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí không làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án.

“Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn vốn duy nhất mà chủ đầu tư có thể trông cậy vào lúc này để bù đắp cho việc Hiệp định vay ADB lần 1 số (2730-VIE) bị hết hạn khi công trình vẫn đang triển khai thi công”, đại diện VEC thông tin.

Hé dần lối thoát

Để có đủ cơ sở pháp lý cho Bộ Tài chính tiến hành thẩm định việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE), ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2323/QĐ - BGTVT phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư, phục vụ việc thẩm định sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) cho dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, 5 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản dự án, VEC là chủ đầu tư gồm tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào khai thác năm 2011, cao tốc Nội Bài - Lào Cai năm 2014, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây năm 2014, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi năm 2017, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thực hiện và dự kiến đưa vào khai thác năm 2024.

Được biết, có 11 thông số đầu vào được Bộ GTVT tạm xác định để tính toán phương án tài chính 5 dự án của VEC tại thời điểm hiện nay, gồm: tổng chi phí thực hiện; cơ cấu nguồn vốn đầu tư; thời gian đưa vào khai thác; lưu lượng xe; mức thu phí; tốc độ tăng phí; lãi suất Libor trả nợ vốn vay ADB và WB; tỷ giá ngoại tệ; tỷ lệ lạm phát; hệ số trượt giá xây dựng; chi phí bảo dưỡng, vận hành khai thác.

Trong các chi phí đầu vào trên, đáng chú ý nhất là việc Bộ GTVT tạm xác định, tổng chi phí thực hiện 5 dự án do VEC đầu tư, được cập nhật đầy đủ theo giá trị hợp đồng/giá trị thực hiện/giá trị quyết toán các gói thầu xây lắp, tư vấn, các chi phí khác đến ngày 31/12/2021 là 104.998 tỷ đồng, gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: 8.579 tỷ đồng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai: 26.737 tỷ đồng; cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây: 18.058 tỷ đồng; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 25.099 tỷ đồng; dự án Bến Lức - Long Thành (đang thi công dở dang): 26.525 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT tạm xác định tỷ trọng vốn nhà nước và vốn do VEC huy động tại dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 23,3% và 76,7%; Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 19,9% và 80,1%; dự án cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là 33,9% và 64,1%; dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 73,4% và 26,6%; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là 61,3% và 38,7%.

Một thông số đầu vào quan trọng khác là mức phí 5 dự án để tính cơ sở hoàn vốn được Bộ GTVT áp dụng theo Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016 của Bộ GTVT, trong đó cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 1.500 đồng/PCU/km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 1.250 đồng/PCU/km, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là 2.000 đồng/PCU/km, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 1.500 đồng/PCU/km, cao tốc Bến Lức - Long Thành là 2.000 đồng/PCU/km. Tốc độ tăng phí là định kỳ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng 12%.

Với các thông số đầu vào được xác định và dự báo nêu trên, Bộ GTVT xác định dòng tiền sau thuế 5 dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư năm 2022 thiếu hụt 518 tỷ đồng, năm 2023 thiếu hụt 167 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền sau thuế lũy kế các năm luôn dương, cụ thể: đến năm 2022 dương 9.631 tỷ đồng; đến năm 2023 dương 9.464 tỷ đồng; đến năm 2025 dương 12.534 tỷ đồng.

“Với kết quả dòng tiền sau thuế nói trên, VEC đảm bảo khả năng trả nợ Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Cần phải nói thêm rằng, áp lực thanh toán các khoản nợ nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu Nhật Bản thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã nhẹ bớt khi sau khi chủ đầu tư đã được phép tạm sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền chưa đến hạn để trả nợ.

Trong một văn bản phát đi vào cuối tháng 11/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản) đã đồng ý để VEC tạm sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền chưa đến hạn để trả nợ nhà thầu của Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đề xuất đó nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo mục tiêu dự án tránh phát sinh khiếu kiện, phát sinh chi phí làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây thiệt hại cho VEC và nguồn vốn ngân sách nhà nước cho VEC, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam đối với nhà tài trợ.

Do những vướng mắc về cơ chế, nên VEC không có vốn để thanh toán cho một số khối lượng hoàn thành tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Từ giữa năm 2020 đến nay, các nhà thầu Nhật Bản đã yêu cầu VEC thanh toán khối lượng hoàn thành và chi phí phát sinh tính đến tháng 4/2021 khoảng 33 triệu USD.

“Đây là khoản tiền tối thiểu cần phải bố trí vốn để thanh toán ngay khối lượng đã hoàn thành của các nhà thầu Nhật Bản và tái khởi động thi công Dự án. VEC sẽ tiếp tục làm việc với các nhà thầu J1 và J3, JICA để thảo luận, đàm phán theo hướng đề nghị nhà thầu J3 tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng đã ký”, lãnh đạo VEC thông tin.

Theo phương án tài chính VEC đang trình cấp có thẩm quyền, lũy kế dòng tiền thu phí tại năm 2021 của VEC đang có khoảng 7.504 tỷ đồng (sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ vay đến hạn) và lũy kế dòng tiền của VEC tại năm 2022 là 6.546 tỷ đồng.

Trường hợp VEC tạm sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi chưa đến thời hạn trả nợ với số tiền khoảng 429 tỷ đồng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sẽ không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn của VEC.

Tin mới lên