Tài chính

Long Giang Land: Kinh doanh dưới giá vốn, hoạt động tài chính cứu vãn lợi nhuận quý IV

(VNF) – Nhờ doanh thu tài chính lớn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Long Giang Land, HoSE: LGL) mới thoát khỏi cảnh thua lỗ trong quý IV/2022.

Long Giang Land: Kinh doanh dưới giá vốn, hoạt động tài chính cứu vãn lợi nhuận quý IV

Long Giang Land: Kinh doanh dưới giá vốn, hoạt động tài chính cứu vãn lợi nhuận quý IV

Quý IV/2022, doanh thu thuần của LGL đạt 44 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, LGL lỗ gộp 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gộp 541 triệu đồng.

Phải nhờ đến doanh thu tài chính 54 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ), LGL mới có thể trang trải cho các chi phí phát sinh trong kỳ như: chi phí tài chính 21 tỷ đồng (giảm 22%), chi phí quản lý 8 tỷ đồng (giảm 17%) và khoản lỗ 13 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết cùng lỗ khác.

Kết quý IV/2022, LGL có lợi nhuận trước thuế 11 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 7 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của LGL đạt 145 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận gộp đạt 7 tỷ đồng, giảm 28% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh so với năm trước (8%) xuống chỉ còn 4,9%.

Trong năm, hoạt động tài chính là “cứu tinh” của LGL khi ghi nhận doanh thu 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty có lợi nhuận trước thuế 22 tỷ đồng, tăng 75% và lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm trước.

Năm 2022, LGL đặt mục tiêu doanh thu đạt 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận. Song đây đã là năm có lợi nhuận tốt nhất của LGL kể từ sau 2019.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LGL đạt 1.638 tỷ đồng, giảm 3,4% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy tỷ trọng lớn của các khoản phải thu khi chiếm 48%, đạt 788 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm; riêng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 56 tỷ đồng.

Hàng tồn kho trong năm 2022 gần như không biến đổi, đạt 353 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa bất động sản tại các dự án: Thành Thái (278 tỷ đồng), 69 Vũ Trọng Phụng (18 tỷ đồng).

Nợ phải trả của LGL tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 969 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 363 tỷ đồng, tăng 10 lần; chủ yếu là khoản tiền ông Nguyễn Hải Duy đặt cọc tiền mua cổ phần Công ty Hạ Long, còn tiền khách mua bất động sản trả trước chỉ là 21 tỷ đồng.

Nợ vay của LGL năm qua đã giảm 30%, chỉ còn 176 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu đạt 669 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,45 lần.

Năm 2022, dòng tiền kinh doanh của LGL âm nặng (- 291 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản phải thu (281 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, dòng tiền đầu tư dương 371 tỷ đồng. Vì vậy LGL đã giảm được rất đáng kể quy mô dòng tiền vay/trả xuống còn 13 tỷ đồng/90 tỷ đồng, giảm lần lượt 92% và giảm 62% so với năm trước.

Tin mới lên