Diễn đàn VNF

LS Kiều Anh Vũ: Luật Doanh nghiệp 2014 đã tước đoạt ‘vũ khí tự vệ’ của cổ đông thiểu số

(VNF) – Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP. HCM, cho rằng bầu dồn phiếu là phương thức bảo đảm được quyền, lợi ích của cổ đông thiểu số. Việc Luật Doanh nghiệp 2014 bãi bỏ quy định bắt buộc về bầu dồn phiếu là không phù hợp, không bảo vệ được cổ đông thiểu số.

LS Kiều Anh Vũ: Luật Doanh nghiệp 2014 đã tước đoạt ‘vũ khí tự vệ’ của cổ đông thiểu số

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Đây được xem là đạo luật có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Một trong những góp ý, tranh cãi xung quanh dự thảo lần này là việc nên hay không nên khôi phục tính bắt buộc của hình thức bầu dồn phiếu.

Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance có cuộc trò chuyện với luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

- Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ việc bắt buộc phải bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát theo phương thức dồn phiếu. Cá nhân ông đánh giá quy định này như thế nào?

LS Kiều Anh Vũ: Bầu dồn phiếu là một phương thức biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Đây không phải là quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 mà đã được quy định lần đầu tiên từ Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Điểm mới trong quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 so với Luật Doanh nghiệp 2005 đối với quy định về bầu dồn phiếu là từ quy định bắt buộc thành quy định tùy nghi, do doanh nghiệp tự quyết định có áp dụng bầu dồn phiếu hay không.

Cụ thể, nếu như Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “cứng” là “việc biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu” thì Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nếu trường hợp điều lệ công ty không quy định khác thì việc biểu quyết bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát mới phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu.

Việc thay đổi quy định như nêu trên theo các nhà làm luật khi soạn Luật Doanh nghiệp 2014 được lý giải là vì quy định bắt buộc áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu đối với bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát công ty cổ phần “gây ra sự thiếu kết dính trong hội đồng quản trị; làm cho việc ra quyết định trong một số trường hợp kéo dài, tốn kém, thậm chí không thông qua được” (Bản thuyết minh), “một số ý kiến không tán thành việc quy định về nguyên tắc dồn phiếu như dự án Luật vì có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng quy định này để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty” (Báo cáo thẩm tra).

Thật ra, các nhận định này rất mang tính chủ quan và chưa đủ sức thuyết phục, thậm chí là không chính xác vì hoàn toàn ngược lại, phương thức bầu dồn phiếu không phải bị “cổ đông lớn của công ty lợi dụng” mà là phương thức bảo đảm được quyền, lợi ích của cổ đông thiểu số. Do đó, theo tôi, việc bãi bỏ quy định bắt buộc về bầu dồn phiếu là không phù hợp, không bảo vệ được cổ đông thiểu số.

- Qua hơn 3 năm thực hiện, ông có đánh giá như thế nào về hình những lợi ích cũng như hạn chế của hình thức này?

Phương thức bầu dồn phiếu là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ cổ đông thiểu số trong việc bầu thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát – những chức danh quản lý quan trọng của công ty. Do đó, khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, cho phép các công ty cổ phần được tùy nghi trong việc lựa chọn hình thức bầu thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát theo cách thức thông thường thì đã vô hiệu hóa công cụ pháp lý bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Thực tế, khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, nhiều công ty cổ phần đã sửa đổi điều lệ theo hướng không áp dụng bầu dồn phiếu mà bầu theo cách thông thường làm cho cổ đông thiểu số rất khó có cơ hội bầu thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát theo số phiếu mà họ có, từ đó “cuộc chơi” càng kém công bằng hơn và vai trò của cổ đông thiểu số giảm đi đáng kể, quyền lợi có thể bị ảnh hưởng.

- Vậy theo ông, có nên khôi phục quy định bắt buộc áp dụng hình thức này hay không?

Phương thức bầu dồn phiếu góp phần bảo vệ cổ đông thiểu số và thật ra cũng bảo vệ cổ đông đa số vì tạo ra sự công bằng về quyền lợi của cổ đông trong việc bầu các chức danh chủ chốt trong công ty.

Đề cao việc bảo vệ cổ đông thiểu số nhưng cũng cần chú trọng đến cổ đông đa số. Quy định của pháp luật phải tạo ra cơ chế thuận lợi cho sự điều hành, hoạt động thông suốt của công ty trong việc đưa ra các quyết định, bảo vệ quyền lợi chung của các cổ đông.

Cũng có không ít trường hợp cổ đông thiểu số lại chính là những người gây ra những bất đồng, tranh chấp trong công ty như ảnh hưởng đến tỷ lệ dự họp, khởi kiện hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông, gây áp lực nhằm chuyển nhượng lại cổ phần với giá “hời”…

Do đó, theo tôi, cần khôi phục quy định bầu dồn phiếu như là quy định bắt buộc nhưng chỉ áp dụng đối với một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như áp dụng bắt buộc nếu là công ty đại chúng, áp dụng đối với công ty có số lượng cổ đông nhất định hoặc có cổ đông lớn sở hữu một tỷ lệ cổ phần quá lớn, chẳng hạn 50% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty trở lên…

Về dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, vấn đề về bầu dồn phiếu có sửa đổi theo hướng áp dụng bắt buộc hay không thì vẫn chưa thấy đặt ra. Tôi cho rằng vấn đề cần phải được nghiên cứu thấu đáo để đưa ra sửa đổi trong lần sửa đổi này.

- Liên quan đến quy định bảo vệ cổ đông thiểu số, Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền: đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát, xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, báo cáo tài chính bán niên và hàng năm... Trên thực tế, đây là con số gây nên nhiều tranh cãi bởi theo nhiều ý kiến, 10% tổng số cổ phần phổ thông không phải là con số nhỏ. Suy cho cùng con số này sẽ cản trở cổ đông nhỏ trong việc thực hiện quyền lợi của mình, thưa ông?

Con số 10% đúng là một con số lớn. Theo Luật Chứng khoán, cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty thì đã là cổ đông lớn rồi nên quy định này ngay cả cổ đông lớn cũng bị ảnh hưởng chứ không chỉ là cổ đông thiểu số nữa. Bên cạnh đó, quy định này còn quy định về điều kiện thời gian sở hữu cổ phần liên tục 06 tháng là quá lâu.

Dự thảo lần này cũng đã sửa đổi quy định này theo hướng sửa đổi con số 10% thành 1% và bãi bỏ điều kiện về thời gian sở hữu cổ phần. Nếu quy định này được thông qua thì đây là một sự thay đổi rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của cổ đông.

Tôi cho rằng cần phải giảm con số 10% xuống thấp hơn nhưng 1% thì có thể thấp quá và khi các quyền này bị lạm dụng thì cũng sẽ gây cản trở cho hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, thời hạn sở hữu cổ phần cũng nên duy trì nhưng quy định ngắn hơn bởi lẽ nếu không quy định thời hạn sở hữu thì có thể dẫn đến những đợt chuyển nhượng, thâu tóm cổ phần ngay trước các kỳ họp đại hội đồng cổ đông, có thể dẫn đến những xáo trộn, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông và có thể dẫn đến những tranh chấp khác phát sinh.

- Ngoài hình thức bầu dồn phiếu, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, theo ông, chúng ta còn có những hình thức nào để bảo vệ họ?

Các nhà làm luật cũng đã chú trọng bảo vệ cổ đông thiểu số bằng nhiều quy định khác nhau trong Luật Doanh nghiệp như các quy định về điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông, điều kiện thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông, phân nhóm các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông đòi hỏi tỷ lệ biểu quyết cao hơn, quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, ban kiểm soát để bảo vệ cổ đông, quy định cổ đông có quyền khởi kiện người quản lý…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên