Diễn đàn VNF

LS Nguyễn Văn Lộc: Để bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, công tác cảnh báo cần quyết liệt hơn

(VNF) - Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp, cá nhân có thể tự mình tạo ra các hệ lụy lớn hay không nếu cơ quan chức năng mạnh tay hơn, việc cảnh báo tốt hơn? Và ở góc độ thực thi pháp luật, người vi phạm được tuyên truyền, cảnh báo mạnh hơn để từ đó không phải có những vụ việc tương tự. Phóng viên tiếp tục có trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch LP Group) xoay quanh vấn đề đang được quan tâm này.

LS Nguyễn Văn Lộc: Để bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, công tác cảnh báo cần quyết liệt hơn

LS Nguyễn Văn Lộc: Để bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, công tác cảnh báo cần quyết liệt hơn

Ông Lộc cho rằng, nhà đầu tư có mưu cầu lợi ích là điều đương nhiên. Để bảo vệ họ, cũng như trực tiếp bảo vệ thị trường, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền và mạnh tay trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Lộc cũng cho hay trong các năm trở lại đây, các hành vi vi phạm liên quan đến công bố thông tin, tháo túng giá chứng khoán hay vi phạm của cổ đông lớn … diễn ra thường xuyên và kéo dài xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản là luật chưa chặt chẽ và thực thi không nghiêm khắc.

Ông Lộc cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán hiện hành là các luật cơ bản định hình khung pháp lý cho lĩnh vực này, bên cạnh đó các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về tố tụng (hành chính và hình sự). Nếu so sánh với các quốc gia có nền tài chính phát triển mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật… thì mức xử phạt cho các hành vi như thao túng giá chứng khoán hay giao dịch nội gián tại Việt Nam còn ở mức thấp.

“Từ thực tiễn, việc đánh giá hiệu quả của chế tài pháp luật đối với hành vi vi phạm về kinh tế cần xem xét ba yếu tố liên quan, bao gồm cơ chế xử lý đối với hành vi vi phạm, xử lý cá nhân người vi phạm và đền bù thiệt hại. Chế tài phải áp dụng đối với cá nhân người vi phạm và pháp nhân người đó dùng như một “công cụ” để thực hiện hành vi vi phạm", ông Lộc phân tích.

Cũng theo Chủ tịch LP Group, việc một cá nhân hay tổ chức vi phạm đến mức xử lý hành chính nhiều lần là điều không thể và không nên để diễn ra. Theo quy định về tố tụng hình sự, việc xử lý vi phạm hành chính lần thứ hai thông thường đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế tại Việt Nam, chỉ có truy cứu trách nhiệm hình sự mới có thể đảm bảo tính răn đe cao nhất của pháp luật với người vi phạm.

“Đối với các cổ đông chiếm tỷ lệ sở hữu thấp, các nhà đầu tư không chuyên nghiệp và người tham gia thị trường tài chính nói chung, họ rất mong chờ vào trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhà đầu tư có thể không biết, nhưng cơ quan chức năng và kể cả các công ty chứng khoán (đơn vị kinh doanh có điều kiện) có thể biết rõ về hành vi và mức độ vi phạm của doanh nghiệp, cá nhân khi họ giao dịch. Khi có doanh nghiệp, cá nhân vi phạm thì cơ chế công khai thông tin rõ ràng là điều cần làm ngay", Chủ tịch LP Group gợi ý.

"Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung các điều khoản, trao thêm quyền hạn về việc giám sát của cơ quan chức năng đối với thị trường. Việc thực thi đúng trách nhiệm của nhà quản lý sẽ phần nào giúp hạn chế các hệ lụy cho thị trường, từ đó đảm bảo sự minh bạch, giúp cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam để đón các làn sóng đầu tư nước ngoài đang hướng vào Việt Nam", ông Lộc cho biết thêm.

Liên quan đến vụ việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, chia sẻ với báo giới mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố thông tin chính thức, UBCKNN đã ngay lập tức họp để tiến hành các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, UBCKNN đã yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ngay trong tối 29/3, UBCKNN cũng đã công bố thông tin chính thức trên website và gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trong thông tin phát đi, UBCKNN cũng đã khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

"Liên quan tới vụ việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng, cụ thể đối với UBCKNN và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Đây cũng là tinh thần hành động của UBCKNN trong vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao", ông Dũng cho hay.

Theo ông Trần Văn Dũng, thị trường chứng khoán được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực.

"Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường (lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường). Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư", ông Dũng nhấn mạnh.

"Về phía cơ quan quản lý, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới", Chủ tịch UBCKNN cho biết.

Tin mới lên