Phát ngôn & Hành động

Luật đấu giá không chặt, tài sản Nhà nước dễ thất thoát

(VNF) - Đại biểu Quốc hội lo chuyện đấu giá lỏng lẻo sẽ khiến nhà nước thiệt thòi trong khi các nhà đầu tư có thể bị đối xử không bình đẳng.

Luật đấu giá không chặt, tài sản Nhà nước dễ thất thoát

Đại biểu Thân Đức Nam nói Luật đấu giá cần quy định chặt chẽ để tránh thất thoát lợi ích nhà nước

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 19/11, Đại biểu Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện thống nhất khuôn pháp lý, điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập tồn tại hiện nay.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề còn tồn tại trong hoạt động đấu giá, cần phải được xử lý trong luật này. Thứ nhất là từ thực tiễn đấu giá tài sản trong thời gian vừa qua do khuôn pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ nên "đã xảy ra tình trạng thông đồng, quân xanh, quân đỏ trong hoạt động đấu giá, làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước". 

"Từ kinh nghiệm đấu thầu dự án theo luật định của đấu thầu, tình trạng thông thầu xảy ra thường xuyên và bất luận doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết nhưng vẫn xem xét đúng quy trình thủ tục theo luật. Do đó, tôi đề nghị dự án luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để những chỗ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật pháp có liên quan khác", ông Nam nói.

Ông Nam dẫn chứng ví dụ ở một địa phương đã giao cho một trung tâm đấu giá 3 ha đất, trong tiêu chí đưa ra đấu giá là phải quy hoạch khu này thành trung tâm thương mại. Trong khi giá khởi điểm là 30 triệu đồng/m2, tất cả các nhà đầu tư đến nghiên cứu và tham khảo thì người ta thấy ở đây không khả thi và không mua hồ sơ để đấu giá. 

Sau đó có một nhà đầu tư khác đến được chỉ định mua hồ sơ này để đấu giá dự án này, mua xong thì sau mấy tháng nhà đầu tư này xin chuyển đổi mục đích, từ một trung tâm thương mại chuyển đổi thành chia lô, thành khoảng 6 lô, mỗi lô 5000m2 được xây dựng chung cư và xây dựng khách sạn. 

"Từ 30 triệu đó trở thành 60 triệu, thay đổi một quy hoạch để trong khi đưa ra đấu giá để bẫy các nhà đầu tư khác. Làm thất thoát tài sản của nhà nước ngay từ việc 30 triệu lên 60 triệu, tăng giá 100%, mất đi biết bao nhiêu tiền ngân sách. Đây chính là kẽ hở trong Luật đấu giá, do đó cần đưa ra tiêu chí và đấu giá đúng như quy hoạch và thiết kế như ban đầu", ông Nam nói.

Thứ hai, về áp dụng tài sản đấu giá, dự thảo luật chỉ quy định tài sản là khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo khoản nợ xấu mà công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua. Ông Nam đề nghị nên mở rộng đối tượng được mua vì "luật này cần hướng đến mục tiêu tháo gỡ vướng mắc trong việc phát mãi tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ, khai thông những trở ngại nhằm phát triển thị trường mua, bán nợ; đồng thời tạo sự minh bạch trong việc xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng quá lớn".

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (TP Hải Phòng) thì quan tâm đến vấn đề doanh nghiệp đấu giá tài sản và trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, theo đó nhất trí với quy định dự thảo luật là doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức công ty tư nhân và công ty hợp doanh, chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đấu giá và một số hoạt động khác liên quan đến đấu giá tài sản. 

"Vì đây là loại hình doanh nghiệp đặc thù, là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Tôi nhất trí với quy định về việc chuyển đổi lộ trình cụ thể, thống nhất việc chuyển đổi các trung tâm bán đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cụ thể tình hình hoạt động của các trung tâm để có lộ trình thích hợp. Căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa phương, phương án giải quyết đối với người lao động", ông Bình đề xuất. 

Đại biểu cũng cho rằng việc ban hành Luật đấu giá là việc "cần làm ngay", theo đó đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11 tháng 3/2016 thay vì thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2016 như dự kiến. 

"Tôi có một ví dụ người đấu giá sau 17 năm chưa được sử dụng tài sản của mình là trường hợp bà Phạm Thị Tự ở Hải Phòng. Ngày 6/10/2015 Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng và sở Tư pháp Hải Phòng để xử lý vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, xin đề nghị đồng chí bộ trưởng và Bộ Tư pháp xem xét vấn đề này để giải quyết cho bà Tự", ông Bình dẫn chứng để nhấn mạnh đến sự cần thiết sớm ban hành luật này.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tất cả các ý kiến đều cho rằng tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật đấu giá tài sản. Tuy là lần đầu được đưa ra thảo luận nhưng rất nhiều ý kiến phong phú, nhiều nội dung Quốc hội tán thành, nhưng cũng có nhiều nội dung, những vấn đề lớn thì Quốc hội đề nghị phải nghiên cứu để làm rõ thêm, bổ sung thêm.

Tin mới lên