Diễn đàn VNF

Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc: Điểm mới và tính khả thi

(VNF) - Ngày 15/3/2019 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (Luật ĐTNN) của nước Công hòa nhân dân Trung Quốc, thay thế ba luật hiện hành là Luật doanh nghiệp liên doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài, Luật doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và Luật hợp đồng kinh doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc: Điểm mới và tính khả thi

Bối cảnh trong nước và quốc tế

Luật ĐTNN ra đời trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong giai đoạn giảm sút tốc độ tăng trưởng, tỷ giá hối đoái biến đồng lớn, dự trữ ngoại tệ giảm, thị trường bất động sản bất ổn, một số doanh nghiệp FDI chuyển về nước hoặc sang nước khác.

Trong tình trạng số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc được coi là không đáng tin cậy, một số nhà kinh tế thế giới thông qua nghiên cứu điều kiện tăng trưởng như hệ số tiêu hao năng lượng, tín dụng doanh nghiệp đã nhận định: Trung Quốc đang đối mặt với giai đoạn tăng trưởng rất thấp, chỉ 1-2%/năm với hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là lần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi Ngân hàng quốc gia Trung Quốc phải bơm hàng nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm 2018 đạt 135 tỷ USD, tăng 3%, thấp hơn mức 7,9% của năm 2017 và 4,1% của năm 2016. Nhà kinh tế học Anh Diana Choyleva dự báo: tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Luật ĐTNN ra đời khi Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quan hệ quốc tế, nổi bật là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang ở vào giai đoạn gay cấn. Đầu tư và thương mại quốc tế có quan hệ hữu cơ với nhau, hình thành mối quan hệ kinh tế đối ngoại chủ yếu giữa hai quốc gia. Chiến lược đầu tư và thương mại của các nước lớn thay đổi tùy thuộc vào tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia trong từng giai đoạn. Từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới thì quan hệ Mỹ- Trung về thương mại và đầu tư đóng vai trò quan trọng nhất, chi phối xu hướng phát triển kinh tế thế giới.

Năm 1979 hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng từ mức 5,7 tỷ USD năm 1989 lên 7,4 tỷ USD năm 1992, 19,1 tỷ USD năm 2001 và 69,7 tỷ USD năm 2008; trong cùng thời kỳ, của Trung Quốc sang Mỹ tăng từ 12 tỷ USD lên 25,7 tỷ USD, 102,7 tỷ USD và 337,7 tỷ USD. Xuất siêu của Trung Quốc với Mỹ năm 2008 là 235 tỷ USD.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, quan hệ thương mại song phương vẫn phát triển. Năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 659,4 tỷ USD. Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,8 nghìn tỷ USD nợ quốc gia Mỹ, hơn 20 nghìn doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại Trung Quốc.

Với phương châm: “Nước Mỹ trước hết” Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Ngày 22/3/2018 Tổng thống Mỹ đã ra lệnh áp dụng mức thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, là "một phản ứng đối với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc trong những năm qua", bao gồm cả hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ bao gồm phế liệu nhôm, máy bay, ô tô, sản phẩm thịt lợn và đậu nành, 15% đối với trái cây, hạt và ống thép. Ngày 5/4/2018, D. Trump đã ra lệnh đánh thuế bổ sung đối với 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Từ cuối năm 2018 đã diễn ra nhiều vòng đàm phán thương mại giữa hai nước nhưng hai bên còn bất đồng nhiều nội dung quan trọng; do đó, ngày 10/5/2019 Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD và đang xúc tiến quy trình áp thuế 25% lên khoảng 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Luật ĐTNN ra đời trong giai đoạn quan hệ Mỹ- Trung liên tục được điều chỉnh, thăng trầm theo thời gian, lúc căng thẳng, lúc lắng dịu, khó dự báo triển vọng trong ngắn hạn; bởi vì như một số chuyên gia kinh tế đã bình luận, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung hiện nay chỉ là bề nổi của tảng băng, có liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái giữa USD với Nhân dân tệ, trợ giá đối với doanh nghiệp nhà nước; thực chất là mâu thuẩn lợi ích giữa hai quốc gia kể từ khi Trung Quốc có sức mạnh kinh tế đủ thách thức Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Những nội dung chủ yếu

Thông thường, tiến trình xây dựng luật của Trung Quốc diễn ra vài ba năm mới kết thúc, nhưng Luật ĐTNN chỉ mất 3 tháng. Đó là một thời gian ngắn kỷ lục.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc truyền đi thông điệp: Luật ĐTNN góp phần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, qua đó đánh dấu một bước đi quan trọng hướng tới xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Luật ĐTNN gồm 6 chương đề cập tới những vấn đề như xúc tiến đầu tư, bảo hộ đầu tư, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ và trách nhiệm pháp lý. Luật ĐTNN điều chỉnh hoạt động đầu tư của các cá nhân, công ty và tổ chức nước ngoài, bao gồm cả liên doanh giữa nước ngoài với công ty Trung Quốc.

Điểm nổi bật của Luật ĐTNN là quy định cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Đây là câu trả lời của Trung Quốc trước các áp lực và cáo buộc về việc hành xử không theo thông lệ quốc tế và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ mà theo đánh giá của Mỹ, mỗi năm thiệt hại đến trăm tỷ USD.

Điều 22 của Luật ĐTNN quy định:, “Chính phủ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư và các công ty nước ngoài. Các tổ chức Trung Quốc không được sử dụng các biện pháp hành chính để bắt buộc chuyển giao công nghệ”.

Luật ĐTNN kỳ vọng giải quyết được những mối quan tâm lớn nhất của các công ty nước ngoài như xử lý vấn đề tài sản trí tuệ, yêu cầu các công ty nước ngoài hợp tác với một công ty địa phương và tình trạng trợ cấp thiên vị cho các công ty Trung Quốc. Luật cũng sẽ giải quyết tình trạng ưu ái các công ty Trung Quốc trong việc trao hợp đồng và tình trạng buộc các công ty nước ngoài phải trao các bí mật công nghệ như một vé vào cổng thị trường lớn của Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui cho rằng: "Đây là một cuộc cải cách cơ bản về hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của chúng ta để tăng độ mở, minh bạch và khả năng dự báo".

Luật ĐTNN cũng có các điều khoản ngăn cấm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 48 lĩnh vực như thị trường đánh cá, nghiên cứu gen, giáo dục tôn giáo, phương tiện truyền thông, phát sóng truyền hình…

Đối với lĩnh vực tài chính, Luật ĐTNN tiếp tục đưa ra các quy định riêng đối với công ty nước ngoài khi đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Luật ĐTNN quy định Chính phủ có quyền kiểm soát cổ đông nước ngoài nếu như lợi ích công bị đe dọa, kiếm tra doanh nghiệp nước ngoài nếu như hoạt động của doanh nghiệp này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Luật ĐTNN quy định: nếu bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào đưa ra lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử lên hoạt động đầu tư Trung Quốc thì Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng.

Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành Luật ĐTNN có hai điều cần được các nhà làm luật nước ta lưu ý: 1) Chỉ trong thời gian ba tháng thay vì vài ba năm như trước đây. Trong thế giới đầy biến động khó lường thì việc điều chỉnh luật pháp của mỗi quốc gia là cần thiết để ứng phó kịp thời và có kết quả với bối cảnh mới về chính trị và kinh tế toàn cầu. Mỹ và các quốc gia phương Tây tiếp cận cách xây dựng luật pháp như vậy, do đó có khi trong một ngày đã ban hành luật mới chỉ với một vài nội dung cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác nhưng phải mất nhiều năm mới được Quốc hội thông qua, trong khi cuộc sống đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn. 2) Có hiệu lực từ đầu năm 2020 mà không cần nghị định, thông tư hướng dẫn. Đây cũng là điều mà Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng để không kéo dài tình trạng luật đã có hiệu lực thi hành nhưng vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên vẩn chưa điều chính được hoạt động kinh tế- xã hội.

Tính khả thi

Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng: "Luật mới sẽ là tiêu chuẩn cho các hành động của Chính phủ, là căn cứ để các quan chức Trung Quốc hành xử một cách hợp pháp và sẽ có thêm nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài”. Ông khẳng định luật sẽ được áp dụng ở cả Hongkong, Macao và Đài Loan.

Ngày 13/3/2018, Nhân dân Nhật báo bản Hải ngoại đưa ra 5 tín hiệu tích cực từ Luật ĐTNN: 1) Trung Quốc tích cực chủ động trong việc thực hiện chính sách mở cửa, dần hình thành bố cục mới nhằm mở cửa toàn diện đa phương, nhiều tầng và nhiều lĩnh vực. 2) Sức hút từ thị trường trong nước của Trung Quốc là vô vùng to lớn để các nước có thể mở rộng cơ hội kinh doanh. 3) Môi trường đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc sẽ tiếp tục ngày càng hoàn thiện. Trung Quốc có khả năng nói được và làm được trong việc xây dựng môi trường kinh doanh hàng đầu trên thế giới. 4) Việc thúc đẩy mở cửa của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích phát triển cho bản thân Trung Quốc mà cũng đem lại lợi ích to lớn cho thế giới. 5) Không thể bỏ lỡ cơ hội cùng xây dựng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Đã có 123 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế ký kết văn kiện hợp tác cùng xây dựng BRI.

Trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đang đối đầu với cuộc chiến thương mại liệu 5 tín hiệu tích cực trên đây có mang lại kết quả như Bắc Kinh mong muốn không (?).

Nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp ở Trung Quốc coi luật này là một danh sách các kiến nghị hơn là một bộ quy tắc cụ thể, có thể thi hành được.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Aberdeen Standard Investments, Jeremy Lawson, tỏ ra lạc quan một cách thận trọng: “Quốc hội Trung Quốc không dự định giải quyết tất cả những thách thức dài hạn của Trung Quốc. Đây là một dự án kéo dài nhiều năm. Thế nhưng, các tín hiệu tăng trưởng tương lai có thể đang được cải thiện".

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc tuyên bố: “Với việc thông qua nhanh như thế này, có lẽ Trung Quốc chưa xét tới các quan điểm của các công ty nước ngoài trong phiên bản cuối cùng. Ngoài ra, việc không đưa ra lý do giải thích cho tình trạng gấp rút thông qua luật làm dấy lên câu hỏi về việc Trung Quốc thi hành luật pháp”.

Những diễn biến gần đây tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung về các vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc, rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, mua hàng và cơ chế giám sát thực thi đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Ngày 15/5/2019, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp đối với công nghệ thông tin và viễn thông do nước ngoài thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc cung ứng; trao quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ gây rủi ro cho các công nghệ và dịch vụ viễn thông hoặc công nghệ thông tin.

Mặc dù trong sắc lệnh khẩn cấp không nếu đích danh quốc gia nào, nhưng Quốc hội và Tổng thống Mỹ đã công khai coi ZTE và Huawei, hai tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, nhất là liên quan tới công nghệ 5G.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đưa công ty Huawei Technologies và 70 chi nhánh vào danh sách đen, trong đó cấm các đơn vị này mua các thiết bị và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa được sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ.

Mỹ cũng gây sức ép đối với nhiều quốc gia đồng minh như Canada, Đức, Anh, Pháp không được hợp tác với những công ty công nghệ của Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ tiếp diễn với những hậu quả khủng khiếp, vì trong khi Mỹ áp dụng những biện pháp cứng rắn, thì Trung Quốc sẵn sàng đối đầu bằng các biện pháp đáp trả cần thiết. Do vậy, khó có thể đặt nhiều hy vọng vào việc thực thi nghiêm túc Luật ĐTNN của nước CHND Trung Hoa.

Tin mới lên