Tiêu điểm

‘Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực 3 năm rồi nhưng nhiều DN hỏi tôi là nó hỗ trợ cái gì’

(VNF) – Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đã phát biểu như trên tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo “Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác”.

‘Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực 3 năm rồi nhưng nhiều DN hỏi tôi là nó hỗ trợ cái gì’

Ông Nguyễn Văn Thân

Tranh luận tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 16/6, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Vinasme), đã phản đối nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM).

Đại biểu Ngân, trước đó, nói rằng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ “mang tính chất động viên”. Đại biểu Thân đáp lại rằng: “Nếu là để động viên thì tôi nghĩ chúng ta không nên tốn công nói chuyện này. Trong hội nghị, chúng ta nên thẳng thắn góp ý với nhau để ban soạn thảo nếu thấy chưa ổn thì chưa ra nghị quyết chứ không phải là vấn đề động viên”.

“Tôi đề nghị phải nghiêm túc trong chuyện này chứ không thể nói động viên được”, ông Thân nhấn mạnh.

Ông Thân cũng thẳng thắn nêu ra rằng: “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực 3 năm rồi, từ 1/1/2018, nhưng cho đến giờ rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hỏi tôi là nó hỗ trợ cụ thể cái gì”.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng có thể giải trình ngay tại Quốc hội càng tốt, nếu không thì cho tôi một vài kiến thức để tôi xem là đúng hay sai hay nó đến đâu để tôi giải thích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ nếu không việc này rất là bí”, ông Thân nói.

Bàn luận thêm về ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) – rằng cần giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành nghề đặc biệt, ví dụ hàng không – ông Thân nói: “Doanh nghiệp đi thuê máy bay, mua máy bay, vay tiền để mua, nếu chúng ta không cứu thì họ phải trả máy bay, không vay được sẽ lỗ mà lỗ thì doanh nghiệp đã chết rồi, Chính phủ còn phải ôm vào, còn chết nữa”.

“Thà rằng chúng ta phải chấp nhận, bây giờ bằng cách nào đó để hỗ trợ họ, để cho họ phát triển, để cho họ có thể cầm cự được. Cho nên, lớn là chết đằng lớn và nhỏ chết đằng nhỏ, không phải đơn giản”, ông nói.

Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Văn Thân, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân trần: “Tôi nghĩ rằng nếu nghị quyết này chỉ dừng lại ở điểm này (giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp – PV) thì nó không đi vào cuộc sống nhiều, mà nếu không đi vào cuộc sống nhiều thì rõ ràng là nó chỉ mang tính chất động viên. Do đó, trong trường hợp có thể cân nhắc được thì chúng ta nên nới rộng khoản hỗ trợ của chúng ta, không tập trung nhiều vào thuế, về miễn thuế đối với thu nhập doanh nghiệp. Bởi vì đã có lãi là họ vượt qua được thách thức. Chúng ta nên quan tâm những doanh nghiệp hiện nay đang tạm ngừng hoạt động, đang hết sức khó khăn, chúng ta nên tìm gói hỗ trợ hơn”.

Ông Ngân cũng phát biểu thêm rằng Chính phủ có thể cân nhắc một gói hỗ trợ lãi suất thấp. Ông cho biết giai đoạn 2008 – 2009, Việt Nam dính 2 đợt sóng là khủng hoảng tài chính tiền tệ và lạm phát cao, do đó Quốc hội đã quyết định hỗ trợ lãi suất 4%.

“Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể cân nhắc khoản này không?”, ông Ngân đặt vấn đề và cho biết: “Lúc đầu tôi chưa dám suy nghĩ sâu vào vấn đề này bởi vì sợ đụng đến các hiệp định FTA chúng ta đã ký. Nhưng trong trường hợp bất khả kháng, tức trong trường hợp đang có đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội để thực hiện nhiều hơn các gói giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Cho nên đề nghị Chính phủ xem xét, tính toán thêm nhiều gói hỗ trợ và có thể hỗ trợ lãi suất, bởi vì lãi suất Việt Nam chúng ta hiện nay còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trong khu vực. Ngay cả Thái Lan, lãi suất chỉ đạo điều hành của họ hiện nay chỉ khoảng 0,5%, hay là của Philippines và các nước khác trong vùng chỉ khoảng 3%. Còn khu vực đồng Euro hiện nay lãi suất là 0% và lãi suất của nhiều nước trên thế giới hiện nay thậm chí còn âm, thí dụ như Nhật -0,1% hay Đan Mạch -0,5%.. Cho nên Chính phủ nên xem xét thêm những gói giải pháp để hỗ trợ”, ông Ngân nêu ý tưởng.

Tin mới lên