Tiêu điểm

Luật sư: 'Việc mua OceanBank giá 0 đồng là quyết định vội vã và vô cùng nghiêm trọng’

(VNF) – Luật sư Nguyễn Văn Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng là hoàn toàn trái với Hiến pháp, vì nguyên tắc của Hiến pháp là tôn trọng quyền tài sản của cá nhân, tổ chức.

Luật sư: 'Việc mua OceanBank giá 0 đồng là quyết định vội vã và vô cùng nghiêm trọng’

Ông Đinh La Thăng khẳng định việc mất 800 tỷ đồng tại OceanBank là do Chính phủ không cho thoái vốn và Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng

Theo ông Thiệp, trên thế giới không có quốc gia nào trong lịch sử từ trước tới nay mua 0 đồng cả. Đặc biệt về phần tài sản, nhân chứng Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) cho biết 13 ngày sau khi có kết luận thanh tra, OceanBank đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng.

"Để định giá cổ phần người ta tính theo giá trị vốn chủ sở hữu. Nếu bằng 0 hoặc âm thì tính giá trị cổ phần bằng 0. Nhưng thực tế đây là cách tính cổ điển, không phù hợp vì hiện nay còn rất nhiều giá trị vô hình của doanh nghiệp như thương hiệu, chi phí cơ hội, đặc biệt là giấy phép... Gần 10 nghìn tỷ đã thu lại được đương nhiên là tài sản của các cổ đông" ông Thiệp nói.

Bình luận về quyết định mua OceanBank giá 0 đồng, ông Thiệp nhấn mạnh đây là quyết định vội vã và vô cùng nghiêm trọng, không chỉ làm ảnh hưởng đến cổ đông mà còn gây ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp cho xã hội.

"Quyết định mua 0 đồng đó còn chưa làm rõ được thì vụ án này xét xử trên cơ sở đánh giá nào", ông Thiệp đặt vấn đề.

Do đó, ông Thiệp đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố ông Đinh La Thăng không phạm tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đồng thời, căn cứ điều 265 Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Thiệp đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng khác xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc không thực hiện theo khoản 5 Điều 161 Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011.

Ông Thiệp cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc vi phạm các quy định về cho vay tín dụng.

Ngoài ra, ông Thiệp đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị hủy Quyết định 663 về mua OceanBank với giá 0 đồng, làm thất thoát và thiệt hại đến tài sản của các cổ đông trong đó có PVN chiếm 20% vốn điều lệ.

Trước đó, tại phiên xét xử sáng nay (22/3), ông Đinh La Thăng cũng đã có bài phát biểu tự bào chữa.

Theo đó, ông Thăng khẳng định việc PVN đầu tư vào OceanBank là nhằm giải quyết hệ lụy của việc Ngân hàng Hồng Việt không được phép thành lập; việc đầu tư vào OceanBank không hề vụ lợi, không có động cơ cá nhân…

Ông Đinh La Thăng cũng cho hay "Năm 2014, khi OceanBank khó khăn, PVN cũng như OceanBank đã trích lập dự phòng rủi ro. Cái này đại diện Bộ Tài chính đã nói, trích lập dự phòng do thời điểm, năm nay có thể trích lập nhưng sang năm hoàn lại. Việc OceanBank lỗ cũng không quan hệ biện chứng, nhân quả gì với việc đầu tư. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào HĐQT của OceanBank. Giống như vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy đã mua xe".

Ông Đinh La Thăng khẳng định nếu PVN được thoái vốn sẽ không mất 800 tỷ đồng. "Việc thoái vốn, PVN đã rất chủ động, từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn, được Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn 100% trong giai đoạn năm 2013 – 2014. Việc này được OceanBank đồng ý, 1 công ty Singapore mua 15% và 1 công ty Việt Nam mua 5%. PVN đã báo cáo Thủ tướng, như Hội đồng xét xử đã biết, đầu tiên Thủ tướng đồng ý nhưng sau 13 ngày lại không đồng ý… Xin Hội đồng xét xử xem xét".

Cựu chủ tịch PVN cũng phản đối quyết định mua 0 đồng dẫn tới PVN bị mất 800 tỷ đồng.

"Anh Hà Văn Thắm có hơn 60% cổ phần không biết gì việc mua 0 đồng. PVN nắm 20% cũng không biết. Giả sử mua 0 đồng do kinh doanh thua lỗ thì Ngân hàng Nhà nước phải hoàn tiền bù vào 14.000 tỷ nợ xấu, bù vào 4.000 tỷ vốn điều lệ của OceanBank… nhưng quy định của pháp luật là Ngân hàng Nhà nước không được dùng ngân sách để bù lỗ... Như vậy rõ ràng có vấn đề trong việc mua 0 đồng và chính việc mua này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho thoái vốn là nguyên nhân quan trọng tiếp theo trong việc PVN và các cổ đông bị mất vốn".

Về trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn của PVN tại OceanBank, ông Đinh La Thăng khẳng định: "Việc đầu tư này có hiệu quả, thu hồi được cổ tức 244 tỷ đồng. Tháng 8/2011 bị cáo đã chuyển công tác, sau đó 3 năm OceanBank vẫn chia cổ tức cho PVN… bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011. Bị cáo chuyển đi, mọi quyền hạn, nghĩa vụ bị cáo không còn gì. Vì vậy, việc đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả, nếu Thủ tướng cho thoái vốn thì PVN đã thu lại được 800 tỷ đồng và 244 tỷ đồng cổ tức".

Ông Thăng cũng bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát và nhấn mạnh: "Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm. Nếu có vi phạm thì bị cáo hoàn toàn có trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu nhưng mong tòa xem xét lại việc đầu tư vào OceanBank đã hoàn toàn có hiệu quả. Việc mất vốn là do Chính phủ không cho thoái vốn, Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng".

Tin mới lên