Tiêu điểm

'Lực lượng thứ ba' và những đóng góp cho chiến thắng 30/4/1975

(VNF) - Đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, có một lực lượng ít được biết đến, đó là “lực lượng thứ ba”. Như lời của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, “lực lượng thứ ba” là minh chứng sống động nhất cho tinh thần đoàn kết dân tộc.

'Lực lượng thứ ba' và những đóng góp cho chiến thắng 30/4/1975

Người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng ngày thống nhất 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam tháng 8/1972, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Phải kịp thời tập hợp các phe nhóm tán thành hoà bình, độc lập, dân chủ, hoà hợp dân tộc, hình thành lực lượng thứ ba để phân hoá hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu cùng các phần tử thân Mỹ hiếu chiến nhất. Cần nghiên cứu mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng dân chủ và hoà bình cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời cần tổ chức tốt việc liên hiệp hành động với mặt trận thứ ba để đấu tranh chống Mỹ - Thiệu”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại hoà đàm Paris là người trong cuộc, từng trực tiếp vận động tập hợp “lực lượng thứ ba”, đã kể lại chi tiết về từng nhân vật trong lực lượng này và những đóng góp của họ vào chiến thắng 30/4/1975 trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước.

“Trong điều kiện hết sức phức tạp của cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân ta, nhiều hoạt động phải tiến hành bí mật ở nhiều nơi, nhiều lúc, có thể là đơn tuyến nên về sau khi cuộc chiến đã đi qua, khó mà biết rõ được một cách đầy đủ, cũng dễ hiểu. Là một người từng “ở trong cuộc”, có điều kiện biết và hiểu được một số sự thật, có khi rất quan trọng mà nay có thể bị lãng quên, tôi thấy có trách nhiệm nói ra một cách trung thực”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), chính quyền Sài Gòn chẳng những không chịu thi hành mà còn xua quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, đóng băng Hội nghị Hiệp thương, hò hét đánh "đến viên đạn và hạt gạo cuối cùng".

Trước tình hình đó, nhiều tổ chức chính trị đã được thành lập để đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải thi hành Hiệp định Paris, đòi thực hiện hoà giải, hoà hợp dân tộc, đòi  Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.

Họ tự nhận là “lực lượng thứ ba”, có một quan niệm “đứng giữa” rất rõ ràng, tức là phải trở thành lực lượng đứng ra hoà giải giữa hai thành phần một và hai, họ là những người yêu nước.

Trong hồi ký của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhắc đến luật sư Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân), một nữ trí thức nổi tiếng về tinh thần đấu tranh kiên cường, là một trong những người lãnh đạo của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống.

Ngày 8/10/1973, sau khi bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt rồi phải trả tự do, trước nhiều nhân sĩ, trí thức, đại biểu Sài Gòn và phóng viên báo chí nước ngoài, bà Ngô Bá Thành tuyên bố:“Chúng tôi là thực thể chính trị thứ ba”.

“Luật sư Trần Ngọc Liễng đã từng đứng liên danh với tướng Dương Văn Minh trong tranh cử Tổng thống, tham gia nhóm Dương Văn Minh. Khi Dương Văn Minh từ Thái Lan về Sài Gòn sau khi có Hội nghị Paris về Việt Nam, ông Trần Ngọc Liễng đã thành lập Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, cũng đã tuyên bố “Chúng tôi là thành phần thứ ba”, bà Nguyễn Thị Bình viết.

Nhiều trí thức Việt kiều thời điểm đó đang sinh sống ở Paris đã được vận động về nước như bà Tôn Nữ Thị ninh, ông Trần Hà Nam, bà Thái Thị Ngọc Dư, bà Bùi Trân Phượng, linh mục Phan Khắc Từ… Bà Nguyễn Thị Bình cho biết “ số anh chị em này về nước đã hoạt động rất tích cực trong lực lượng thứ ba và sau này đều là những cán bộ nòng cốt trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Trong hồi ký của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình không ngần ngại nhắc đến những nhân vật dù từng tham gia chính quyền Sài Gòn cũ nhưng sau đó đã ủng hộ lập trường đoàn kết dân tộc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tích cực hoạt động để chấm dứt chiến tranh xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

“Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, ông Nguyễn Hữu Châu, nguyên Tổng trưởng Nội vụ chính quyền Ngô Đình Diệm, ông Âu Trường Thanh, nguyên Tổng trưởng Kinh tế chính quyền Thiệu – Kỳ - Khiêm đều đã họp báo, nhân danh lực lượng thứ ba ở hải ngoại yêu cầu hai bên miền Nam Việt Nam phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, nhanh chóng thành lập Hội đồng Quốc gia hoà giải, hoà hợp ba thành phần. Ngày 16/1/1975, lực lượng thứ ba ở Paris đã tổ chức “Ngày hướng về miền Nam” đòi Mỹ phải từ bỏ Thiệu”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hồi tưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, bên cạnh những thắng lợi vang dội trên chiến trường của quân đội ta thì những đóng góp của “lực lượng thứ ba” trên mặt trận ngoại giao cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào chiến thắng 30/4/1975.

Mặc dù chiến tranh kéo dài hàng chục năm, đặc biệt chính quyền Mỹ khi đó sử dụng chính sách Việt Nam hoá chiến tranh nhằm gieo rắc sự chia rẽ và oán thù giữa người Việt Nam với nhau nhưng âm mưu đó không thể dập tắt tinh thần dân tộc và khát vọng thống nhất của người Việt.

“Trên thực tế, như mọi người đều biết ở miền Nam ước tính 90% gia đình có người ở cả 2 phía, thậm chí nhiều gia đình chồng có chồng con đi lính cho chính quyền Sài Gòn vẫn là cơ sở của cách mạng, vẫn tham gia đấu tranh chính trị và còn bảo vệ cán bộ cách mạng”, bà Nguyễn Thị Bình cho biết.

“Đối với Mỹ, kẻ thù đã gây cho nhân dân ta bao nhiêu đau thương tang tóc, ta đã có thể thực hiện chủ trương “gác lại quá khứ, nhìn về tương lai” thì không có lý do gì mà người trong một nước không thể hoà giải với nhau, thương yêu nhau, đoàn kết với nhau để cùng nhau xây dựng quê hương mình”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết, đồng thời nhấn mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc chính là đạo lý của người Việt Nam.

Tin mới lên