Tài chính quốc tế

Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm xuống mức báo động

(VNF) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom mới đây tung số lượng khảo sát cho biết người tiêu dùng châu Âu đã tiêu thụ hết 40,5 tỷ m3 khí đốt, tương đương với 85% lượng khí đốt tự nhiên được cung cấp cho các cơ sở lưu trữ trong mùa Hè tới đây.

Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm xuống mức báo động

Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm xuống mức báo động (Ảnh minh họa).

Cụ thể, trong một thông cáo đăng trên Telegram ngày 5/1, Gazprom cho biết 84,7% (khoảng 40,5 tỷ m2) khí đốt được bơm trong mùa Hè đã được rút ra. Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, tính đến ngày 3/2, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước (ở mức 13,4 tỷ m3).

Bên cạnh đó, công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine cũng ở mức thấp nhất, giảm còn 11,2 tỷ m3 tại thời điểm ngày 3/1, thấp hơn 46,5% so với năm ngoái.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Cùng ngày 5/2, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck kêu gọi Đức giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi căng thẳng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Chúng ta phải cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó cho mùa đông sang năm. Khủng hoảng Ukraine tạo ra các cơ hội nhập khẩu khí đốt khác, đa dạng hóa nguồn cung, trong đó có cả các vấn đề thuộc hạ tầng. Chúng ta phải hành động để bảo vệ mình tốt hơn. Nếu không, Đức sẽ trở thành con tin của Nga”, ông Habeck nhấn mạnh.

Đề cập tới dự án đang gây tranh cãi thời gian gần đây là Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), ông Habeck cho rằng chính đường ống này sẽ làm tăng mức độ phụ thuộc của Đức với khí đốt Nga và đây là tuyến cung ứng dễ bị tổn thương.

Khoảng 1/3 lượng khí đốt mà EU đang sử dụng là do Nga cung cấp. Theo Eurostat, bên cạnh Nga, EU còn nhập khẩu khí đốt từ Na Uy (20,5%), Algeria (11.6%), Mỹ (6,3%) và Qatar (4,3%), cùng một số quốc gia khác có tổng khoảng 10%.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ lên Nga nếu xung đột xảy ra có thể gây xáo trộn nguồn cung đó.

Trước đó, trong tuyên bố chung ngày 28/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết hai bên đang làm việc cùng nhau để hướng tới việc đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu, nhằm tránh cú sốc về nguồn cung xảy ra, trong đó có tác động từ tình hình giữa Nga và Ukraine.

Xem thêm >> EU bất đồng về mức độ trừng phạt Nga

Tin mới lên