Tài chính

Lượng tài khoản chứng khoán mở mới 4 tháng năm nay xấp xỉ cả năm 2020, gần gấp đôi năm 2019

(VNF) - Làn sóng mở tài khoản chứng khoán tiếp diễn từ năm 2020 sang đến năm 2021 và chưa có dấu hiệu yếu đi, thậm chí có dấu hiệu mạnh lên.

Lượng tài khoản chứng khoán mở mới 4 tháng năm nay xấp xỉ cả năm 2020, gần gấp đôi năm 2019

Lượng tài khoản chứng khoán mở mới 4 tháng năm nay xấp xỉ cả năm 2020, gần gấp đôi năm 2019

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 4/2021, đã có 110.655 tài khoản chứng khoán được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 99,4%.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt mốc 110.000 tài khoản. Trước đó, tháng 3/2021 ghi nhận kỷ lục 113.191 tài khoản mở mới.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã lên đến 369.653 tài khoản, bằng 93% số lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020 và gấp 1,9 lần cả năm 2019.

Làn sóng mở tài khoản chứng khoán tiếp diễn từ năm 2020 sang đến năm 2021 và chưa có dấu hiệu yếu đi. Nguồn dữ liệu: Tính toán từ số liệu của VSD

Thị trường chứng khoán đang tỏ ra hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, đây được cho là nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi mở tài khoản chứng khoán.

Đầu tiên, bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp đã khiến nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán; nhờ đó, thanh khoản trên thị trường tiếp tục dồi dào. Sàn HoSE đã ghi nhận một số phiên khớp lệnh trên 21.000 tỷ đồng.

Thứ hai, theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong tháng, 4, VN-Index đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới tại 1.286 điểm, tương đương mức định giá P/E là 18,1 lần (cao hơn mức P/E trung bình 10 năm lịch sử 27%).

MASVN cho rằng dư địa tăng giá đối với thị trường vẫn còn tại mức định giá này. Thêm vào đó, mức định giá sẽ giảm với triển vọng tăng trưởng EPS lạc quan.

Nhóm chuyên gia cho biết thêm, Việt Nam được định vị trong vùng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn so với các thị trường khác trên thế giới như nhóm MSCI các thị thị trường phát triển và thị trường mới nổi, cũng như một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Trong khi đó, thị trường Việt Nam vẫn được định giá tương đối hấp dȁn với mức P/E hiện tại, thấp hơn nhiều thị trường khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Malaysia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS cao trong năm 2021, nằm trong số các thị trường đã lấy lại mốc EPS trước dịch (năm 2019). Trong khi đó, nhiều thị trường như Thái Lan, Philippines, Singapore và Hong Kong được dự báo chưa thể hoàn toàn hồi phục như lúc trước dịch. Với triển vọng tăng trưởng EPS cao, thị trường Việt Nam nằm trong nhóm có P/E dự phóng thấp, hàm ý tiềm năng tăng giá trong dài hạn.

Sau kết quả kinh doanh quý I cao hơn kỳ vọng, MASVN quyết định nâng dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 từ mức 20% lên 28%.

"Với mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 14 đến 18 lần, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.130 đến 1.480 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.300 điểm", nhóm chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, thị trường cũng có nhiều động lực tăng giá đến từ nhóm ngân hàng mới niêm yết và chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE, thoái vốn nhà nước được thúc đẩy và câu chuyện nâng hạng thị trường lên nhóm các thị trường mới nổi.

Tin mới lên