M&A

M&A đang tăng tốc

(VNF) - Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, dự án đầu tư kinh doanh (M&A) đang ngày càng trở nên hết sức sôi động trên thị trường thế giới và bao gồm cả ở Việt Nam.

M&A đang tăng tốc

M&A hiện đang diễn ra mạnh mẽ tại các quốc gia trên thế giới. Năm 2013, tổng giá trị M&A toàn cầu đã đạt 2.215 tỷ USD, trong đó các thương vụ M&A diễn ra nhiều nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông chiếm tới 23%.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá trị M&A đạt 403,4 tỷ đô tăng 15% so với năm 2012, trong đó Nhật Bản là quốc gia có những thương vụ M&A lớn với tổng giá trị M&A đạt 42,9 tỷ đô (chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng và giao thông vận tải.

Trong khu vực ASEAN, giá trị của các thương vụ mua lại doanh nghiệp và mua cổ phần chi phối doanh nghiệp trong khu vực đã tăng 12% trong năm 2014 so với năm trước đó, đạt giá trị 68,4 tỷ USD, vượt qua giá trị của các thương vụ do các công ty Nhật Bản thực hiện  trong năm (chỉ đạt 64,7 tỷ USD).

Tại Việt Nam, về mặt pháp lý, theo quy định tại Điều 17 Luật Cạnh tranh (2004) thì "Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại".0

M&A, được viết tắt từ 2 chữ Tiếng Anh "Merger (sáp nhập) và Acquisition (mua lại) là một thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính kinh doanh và quản trị chiến lược.

Trên thế giới, sáp nhập được xem là hình thức hai hay nhiều công ty hợp nhất lại thành một và kết quả là hình thành một pháp nhân mới; còn mua lại là việc một công ty mua lại một công ty khác và không tạo ra một pháp nhân mới.

Dù là hai hoạt động khác nhau về bản chất nhưng M&A chính là sự thay đổi cấu trúc doanh nghiệp theo chiều hướng tạo ra những giá trị lớn hơn, mở rộng các cơ hội kinh doanh mới, nâng cao vị thế kinh doanh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động M&A tại Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm phạm luật khác.

Trước năm 2007, mỗi năm Việt Nam chỉ có không quá 50 thương vụ M&A, với giá trị giao dịch cao nhất khoảng 300 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2009, giá trị của các thương vụ M&A đã đạt hơn 1,08 tỷ USD và đến năm 2012 giá trị này đã tăng thành 5,1 tỷ USD. Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này đến năm 2017 có thể đạt 25-30%.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng tích cực trong việc mua hoặc nhận sáp nhập, tỷ lệ này tăng từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012.

Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hoạt động M&A phải kể đến Tập đoàn Masan, Tập đoàn Kinh Đô, Viettel, Vingroup... Trong tương lai, các thương vụ M&A có thể diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhưng phải kể đến xu hướng bán lại cổ phần cho các đối tác nước ngoài trong các ngân hàng, diễn ra mạnh mẽ từ năm 2005 trở lại đây.

Các thương vụ M&A lớn như Ngân hàng Á Châu (ACB) bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Techcombank bán 20% cổ phần cho Ngân hàng HSBC, Ngân hàng An Bình bán 20% cổ phần cho Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Đại Á bán 49% cổ phần cho Ngân hàng Tín Nghĩa, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) bán 20% cổ phần cho Ngân hàng Tokyo-Mitshubishi UFJ, …

Năm 2013, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A có giá trị cao với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều ngành, lĩnh vực

Đặc điểm dễ nhận thấy của các hoạt động M&A ở Việt Nam là đa số các vụ M&A đáng kể đều có yếu tố nước ngoài, chiếm 66%.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài trong các thương vụ M&A của Việt Nam đã thể hiện rõ mức thu hút của thị trường Việt Nam và nhu cầu thâm nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam không phải qua hình thức đầu từ trực tiếp (FDI) mà qua việc liên kết với các đối tác quốc gia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài thường có ưu thế hơn về kinh nghiệm, trình độ quản lý trong việc tiến hành các hoạt động M&A và cả tiềm lực tài chính để thực hiện các thương vụ có giá trị lên tới hàng chục triệu USD mà các doanh nghiệp Việt chưa đủ khả năng thực hiện.

Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các cam kết của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), hoạt động M&A là biện pháp tối ưu để doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước hiệu quả mà không mất chi phí thành lập, xây dựng thương hiệu hay thị phần ban đầu vì có thể khai thác và tận dụng nguồn lực có sẵn từ các đối tác trong nước.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, đối tác Nhật Bản chiếm ưu thế trong các hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian năm 2013 trở về trước, tiếp theo là Mỹ và Singapore. Nền kinh tế Nhật Bản được xây dựng trên mô hình phát triển hình tháp mở rộng với chân hình tháp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực sản xuất nội địa cao, các tầng trên sẽ là các doanh nghiệp trung bình và trên cùng là các doanh nghiệp cỡ lớn.

Để có thể phát triển bền vững, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn (như Mitshubishi, Toyota, Nissan …) ở tầng tháp trên cùng đều đã phải trải qua một quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua các hoạt động M&A trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp Nhật Bản thường thâm nhập thị trường Việt Nam bằng các hoạt động M&A thay vì đầu tư vốn trực tiếp trên các lĩnh vực như hàng thực phẩm, tiêu dùng (Quỹ DIAIF mua 25% cổ phần của Nutifood, Unicharm mua 95% cổ phần của Diana);

Đến lĩnh vực chứng khoán (SBI Securities mua lại 20% cổ phần của Công ty Chứng khoán FPT, Nikko Cordial mua lại 15% cổ phần của Công ty Chứng khoán Dầu khí), ngân hàng (Ngân hàng Mizuho mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng VCB);

Hoặc trong lĩnh vực viễn thông di động (Công ty NTT DoCoMo mua lại 25% cổ phần của Công ty truyền thông VMG), bảo hiểm (Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt) …

Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào các hoạt động M&A ở Việt Nam đã mang lại cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhiều lợi ích. Bên cạnh lợi thế nguồn vốn dồi dào, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tận dụng được những biến đổi của thị trường Việt Nam để thực hiện đầu tư có lời, mua cổ phần với giá hợp lý trong những thời điểm thị trường sụt giá, qua đó từng bước tìm hiểu kỹ hơn về thị trường trước khi đầu tư lớn hơn.

Ngược lại, về phía mình các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được kinh nghiệm, công nghệ và khả năng quản lý, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, để đón bắt được các cơ hội lớn từ M&A, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần phải trang bị cho mình kiến thức về hoạt động M&A (các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, giải quyết tranh chấp phát sinh, …);  cần bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng việc thực hiện các thương vụ M&A.

Bởi yếu tố cốt lõi của các thương vụ M&A là việc định giá doanh nghiệp, đa phần các thương vụ M&A không thành công đến từ việc người bán đòi giá quá cao so với giá trị thực tế của doanh nghiệp, vượt mức chi trả của người mua hoặc sau khi đã mua thì lại lúng túng trong việc quản lý một hệ thống cơ cấu tổ chức mới.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A cũng rất cần được thống nhất và cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Một hệ thống pháp luật hiệu quả sẽ giúp các hoạt động M&A của doanh nghiệp Việt Nam thành công hơn nhưng vẫn tránh được những rủi ro có thể có của hoạt động này như xung đột giữa các cổ đông lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ hay các tác động của việc thay đổi nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp.

 

Tin mới lên