M&A

M&A tại Việt Nam 2014 - 2015: Đợt sóng đầu tiên của làn sóng thứ hai

(VNF) - Các phân tích về xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp/dự án đầu tư do Nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum thực hiện.

M&A tại Việt Nam 2014 - 2015: Đợt sóng đầu tiên của làn sóng thứ hai

M&A 2014: Kỷ lục với 128 tỷ USD

Cùng với sự sôi động của thị trường M&A khu vực và thế giới, thị trường M&A Việt Nam cũng có những ảnh hưởng tích cực. Theo thống kê của IMAA, tính đến đầu tháng 12/2014, giá trị các thương vụ M&A ở ASEAN đã tăng đến 50% so với năm ngoái với giá trị 128 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2008.

Tại Việt Nam, có nhiều con số dự báo khác nhau về giá trị thương vụ, tuy nhiên theo nghiên cứu và thống kê của nhóm nghiên cứu MAF, năm 2014, giá trị M&A tại Việt nam tăng nhẹ so với năm 2013, đạt mức 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức kỷ lục năm 2012 với mốc 5 tỷ USD (xem hình 1 – đồ thị tình hình M&A tại Việt nam). 

Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố khác cũng thúc đẩy M&A trong năm qua là động thái mạnh mẽ của Chính phủ về quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cải cách một số luật lệ liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, môi trường vĩ mô ổn định đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A.

Ấn tượng với thương vụ M&A từ Thái Lan

Nếu như những năm 2012, 2013 và cả trong năm 2014, số thương vụ M&A từ Nhật bản vẫn được duy trì và được đánh giá là làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, thì năm 2014, những đợt sóng mạnh từ Thái Lan là một tín hiệu rất đáng chú ý.

Tính từ thời điểm năm 1988 đến nay Thái Lan đã đầu tư 6,63 tỷ USD vào Việt Nam. Thái Lan đứng trong Top 10 quốc gia FDI lớn nhất Việt Nam.  Thái Lan hiện là một trong những nền kinh tế lớn đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 29 ở thế giới.

Năm 2014, thương vụ được nhắc đến nhiều nhất là Công ty Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đang thực hiện mua lại Metro với giá 879 triệu đô la Mỹ. Đây là cơ hội để hàng hóa nước ngoài gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, nhất là khi hàng nhập khẩu được hậu thuẫn bởi các kênh phân phối có ông chủ là người nước ngoài. Tuy chưa được hoàn thành do ý kiến của cổ đông nhỏ, nhưng cổ đông lớn vẫn quyết tâm mua lại.

Ngoài ra, một thương vụ nữa cũng được quan tâm là trường hợp mua lại cổ phần của Nguyễn Kim. Power Buy, một công ty kinh doanh chuỗi điện máy hàng đầu Thái Lan thuộc Tập đoàn Central Group, đã đầu tư vào Nguyen Kim Trading Joint Stock Co. (Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim – đơn vị đang sở hữu một chuỗi trung tâm kinh doanh hàng điện máy lớn trong cả nước).

Ngành bán lẻ và công nghiệp tiêu dùng được M&A nhiều

Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị. Xu hướng tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân ở Việt Nam luôn là chiến lược cốt lõi mà các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đang thực hiện.

Các thương vụ đáng chú ý như Vingroup mua lại Ocean Mart để phát triển thành VinMart; thương vụ dự định mua lại Metro của tập đoàn Thái Lan và gần nhất là Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivimart.

Lĩnh vực hàng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với tỷ trọng 21% tổng giá trị các thương vụ M&A. Điển hình trong lĩnh vực này là việc Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho tập đoàn thực phẩm đến từ Mỹ Mondelēz International, một thương vụ có giá trị được loan báo lên đến 370 triệu USD.

Trước đó, Kinh Đô đã thâu tóm 24% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) để dấn sâu hơn vào lĩnh vực mới mẻ này. Thương vụ đáng chú ý nữa là Công ty Sữa quốc tế IDP bán cổ phần chi phối cho Quỹ VinaCapital và các nhà đầu tư khác, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các ông lớn khác trong ngành sữa.

Trong năm 2014, thị trường bất động sản cũng chứng kiến một loạt thương vụ mua bán sáp nhập "đình đám" với tổng giá trị lên tới 2,5 tỷ USD. Các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào phân khúc trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở…

Điển hình như Tập đoàn Novaland công bố mua lại 3 dự án căn hộ thương mại gồm Lexington Residence (quận 2), Icon 56 (quận 4) và Galaxy 9 (quận 4) tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng; FLC công bố chính thức sở hữu tại dự án The Lavender với thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm tọa lạc tại vị trí trung tâm quận Hà Đông (Hà Nội).

Trước đó, FLC cũng thâu tóm thành công 2 thương vụ khá đình đám là dự án Alaska Garden City và 36 Phạm Hùng.

Doanh nghiệp Việt đã chủ động hơn

Những động thái của năm 2014 cho thấy M&A đang là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và phân phối.

Điển hình nhất cho mục đích trên phải kể đến thương vụ Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International với giá lên đến 7.846 tỷ đồng (khoảng 370 triệu đô la Mỹ).

Kinh đô thực hiện một loạt dự định M&A và chuyển hướng kinh doanh sang các lĩnh vực mới nhưng vẫn thuộc ngành hàng tiêu dùng như dầu ăn, mì gói, cà phê. Đầu tiên là thương vụ đầu tư vào PhinDeli với mục tiêu khai thác thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu.

Tiếp đến là quyết định đầu tư chiến lược (sẽ nâng tỷ lệ vốn sở hữu lên 51% nhằm nắm quyền kiểm soát) tại một trong những công ty có vị trí quan trọng bậc nhất trong thị trường dầu ăn thực vật là Vocarimex. Và gần nhất là việc hợp tác với Saigon Ve Wong cho ra mắt sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình với thương hiệu Ki Do.

Cũng trong ngành hàng tiêu dùng, Tập đoàn Masan vẫn đang tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường thông qua các thương vụ M&A. Với lợi thế về lượng tiền mặt dồi dào và vị thế là một người khổng lồ trong ngành, M&A được coi là cách nhanh nhất để Masan mở rộng ngành hàng, xây dựng chuỗi cung cấp khép kín, loại bỏ đối thủ cạnh tranh và củng cố vị trí số 1 trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Sau các thương vụ M&A đình đám như mua 53% cổ phần của VinaCafé Biên Hòa (VCF), 40% cổ phần của Proconco (cám Con Cò) và 63,5% cổ phần của Nước khoáng Vĩnh Hảo, thương vụ mới nhất mà tập đoàn này đang theo đuổi là chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, đơn vị có thị phần lớn về kinh doanh các mặt hàng gia vị, nước chấm.

TRIỂN VỌNG 2015

Quy mô thị trường và quy mô thương vụ

Theo những thông tin về các thương vụ đang ở giai đoạn sắp kết thúc và ở giai đoạn chuẩn bị thì viễn cảnh hoạt động M&A ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015 sắp tới. Lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghiệp, ngân hàng, bất động sản sẽ tiếp tục xuất hiện các thương vụ mua bán nhiều hơn.

Do đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, đa số các thương vụ là quy mô nhỏ, từ 5-8 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn tới, cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều cơ hội từ IPO

Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước, con số báo cáo đến thời điểm này cho thấy, tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy nhanh và dự báo sẽ có sự tăng đột biến trong năm 2015.

Đặc biệt, việc bán cổ phần lần đầu (IPO) của các doanh nghiệp lớn như Vinatex, Vietnam Airlines đã thực hiện trong năm 2014 và tới đây là Mobifone… được xem là những "cú hích" lớn trong việc tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước.

Những thương vụ lớn được kỳ vọng khi các doanh nghiệp này lựa chọn đối tác chiến lược. Đặc biệt Vietnam Airlines và Mobifone được cho là sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ.

Điểm qua một số ngành triển vọng

Các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản cũng sẽ tiếp tục được quan tâm.

Ngân hàng & dịch vụ tài chính

Với chương trình tái cấu trúc ngân hàng, lĩnh vực ngân hàng tài chính vẫn là một lĩnh vực tiềm năng cho các thương vụ M&A và đầu tư. Chúng ta có thể trông chờ vào các thương vụ trong ngành này, với giá trị lớn và tính chất phức tạp hơn.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng

Với một thị trường trên 90 triệu dân với dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng rất được quan tâm. Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.

Quá trình hội nhập của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội khiến không doanh nghiệp nào (cả nội địa và nước ngoài) muốn bỏ lỡ. Gần nhất là các cam kết cắt giảm thuế quan trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2015 và xa hơn nữa là hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP.

Nếu các doanh nghiệp không tranh thủ thời điểm này để chuyển hướng kinh doanh, xác lập vị thế vững chắc trên thị trường thì rất có thể sẽ sớm phải cạnh tranh, mất miếng bánh thị phần vào các đối thủ đến sau.

Chúng tôi tin rằng, xu hướng mua lại để thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp khu vực ASEAN sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Bất động sản

Sau những giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản trở nên bão hòa, cùng với một số khó khăn về vốn của nhiều chủ đầu tư nên có thể dự báo, nhu cầu chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ tiếp tục diễn ra mạnh trong vài năm tới.

Tin mới lên