Tài chính quốc tế

Mặc ông Trump kêu gọi trở về, nhiều công ty Mỹ vẫn quyết ở lại Trung Quốc

(VNF) - Phần lớn các công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với lời kêu gọi quay trở về quê hương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 9/9,

Mặc ông Trump kêu gọi trở về, nhiều công ty Mỹ vẫn quyết ở lại Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc khảo sát, do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải (AmCham Thượng Hải) thực hiện, thu hút hơn 200 công ty Mỹ đang làm ăn ở quốc gia châu Á này.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 4% các công ty Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẽ chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, hơn 75% công ty Mỹ khác không có ý định rời khỏi quốc gia đông dân này.

Ở khía cạnh khác, 14% công ty tham gia khảo sát bày tỏ nguyện vọng sẽ dịch chuyển một số hoạt động trong chuỗi dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác, trong khi 7% doanh nghiệp Mỹ đang lưỡng lự giữa việc di dời nhà máy của họ (từ Trung Quốc) về Mỹ hoặc sang một nước khác ngoài Trung Quốc.

"Đông Nam Á là điểm đến phổ biến nhất (của các công ty Mỹ muốn rời khỏi Trung Quốc). Chắc chắc không phải Mỹ rồi", Chủ tịch AmCham Thượng Hải Ker Gibbs nói trong cuộc phỏng vấn ngày 9/9.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cảm thấy bi quan nhiều hơn về tình trạng mối quan hệ Mỹ-Trung. Cụ thể, 26,9% doanh nghiệp cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc có thể kéo dài vô định. 22,5% doanh nghiệp hy vọng "trận chiến" thương mại trên chỉ kéo dài từ 3-5 năm.

Đặc biệt, AmCham Thượng Hải nhận thấy hầu hết các công ty Mỹ (làm ăn ở Trung Quốc) không lên kế hoạch cắt giảm việc làm tại quốc gia đông dân này. Cụ thể, hơn 2/3 số doanh nghiệp cho hay, họ vẫn sẽ duy trì hoặc tăng nhân công.

Theo Chủ tịch Gibbs, khoảng 29% trong số đó có kế hoạch cắt giảm nhân sự chủ yếu là do các tác động của đại dịch Covid-19.

Trước đó,  ông Trump hồi tháng 8 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm tất cả các giao dịch với Tencent, chủ sở hữu ứng dụng WeChat.

Sắc lệnh của này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20/9. Theo ông Gibbs,  các thành viên của AmCham Thượng Hải lo ngại lệnh cấm có thể khiến họ không thể nhận các khoản thanh toán qua ứng dụng WeChat ở Trung Quốc. Điều này sẽ đẩy khách hàng Trung Quốc hướng về các đối thủ cạnh tranh khác.

Chủ tịch AmCham Thượng Hải cho biết các doanh nghiệp Mỹ hi vọng Bộ Thương mại nước này sẽ áp đặt lệnh cấm đó ở phạm vi lãnh thổ Mỹ và cho phép các công ty sử dụng ứng dụng WeChat trên lãnh thổ Trung Quốc.

Xem thêm >> Trung Quốc cáo buộc Mỹ là ‘động lực thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông’

Tin mới lên