Tài chính

Masan muốn phát hành riêng lẻ tối đa 9,99% vốn

(VNF) - HĐQT Masan trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần dao động từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty (sau khi loại trừ các khoản thu nhập bất thường) trong khoảng từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.

Masan muốn phát hành riêng lẻ tối đa 9,99% vốn

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) công bố, HĐQT Masan trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 9,99% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty.

Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được phục vụ cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của Công ty; và/hoặcđầu tư góp vốn vào các công ty con; và/hoặcnâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của Công ty; và/hoặc cho các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp; và/hoặc tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con; và/hoặc tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả của công ty.

Số lượng nhà đầu tư là không quá 5 nhà đầu tư. Phương thức phát hành là chào bán riêng lẻ. Số lần phát hành là một lần hoặc nhiều lần.

Thời điểm phát hành là trong năm 2020 hoặc cho đến trước Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty. Toàn bộ số lượng cổ phần phát hành theo hình thức riêng lẻ nêu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tờ trình của HĐQT Masan về kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho biết, năm nay, tập đoàn kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng ở mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Cụ thể hơn, VCM - công ty sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ đặt mục tiêu đạt biên EBITDA từ -3% đến 0%, đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020.

Masan Consumer (MCH) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. Masan MEATLife (MML) phấn đấu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến để tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, Masan Resources (MSR) sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp HCS để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kỳ hàng hóa.

"Trong năm 2020, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt sẵn có đủ để vượt qua khó khăn nếu đại dịch COVID-19 kéo dài lâu hơn dự kiến, và giữ vị thế sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược của tập đoàn, hoặc thông qua M&A. Điều này có thể khiến dư nợ của chúng tôi vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn, và đòi hỏi phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12 – 18 tháng tới", HĐQT của Masan cho biết.

Chốt lại, HĐQT Masan trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần dao động từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty (sau khi loại trừ các khoản thu nhập bất thường) trong khoảng từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.

Tại đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 30/6 tới, ban lãnh đạo Masan cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên với số lượng tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty. Thời điểm phát hành dự kiến là trong năm 2020 hoặc trước tháng 5 năm 2021. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Về cổ tức, năm 2019, mức chia cổ tức được HĐQT Masan đề xuất là bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phần (1 cổ phần được nhận 1.000 đồng tiền cổ tức). Thời gian chi trả cổ tức năm 2019 là trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông. Việc chi trả có thể được thực hiện thành một hoặc nhiều đợt.

Tin mới lên