Tài chính

Mất cân đối cung cầu điện, PV Power hưởng lợi ra sao?

(VNF) – Nguy cơ mất cân đối cung cầu điện từ năm 2019, cùng với lợi ích từ việc mở dần thị trường mua bán điện cạnh tranh đang là những yếu tố hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện nói chung và đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp có nhiều nhà máy điện tại miền Nam như PV Power.

Mất cân đối cung cầu điện, PV Power hưởng lợi ra sao?

Mất cân đối cung cầu điện, PV Power hưởng lợi lớn.

Ngành điện đang đối diện với nguy cơ lớn về mất cân đối cung cầu nguồn điện, đặc biệt là đối với thị trường miền Nam.

Theo một lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), hiện nay các nhà máy điện ở khu vực miền Nam không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Dự báo từ năm 2021 – 2022, miền Nam có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt khoảng 1,2 – 1,6 tỷ kWh/năm và có thể cao hơn trong trường hợp các dự án nhiệt điện than không đáp ứng tiến độ hoàn thành như: Long Phú 1, Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2, chuỗi dự án khí lô B…

Ước tính, mỗi dự án nhiệt điện than (1.200 MW) tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tăng thêm từ 7,2 – 7,5 tỷ kWh/năm.

Trong khi đó, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), tình trạng thiếu hụt hụt điện sẽ xảy ra từ năm 2019.

Việc tăng trưởng nguồn cung chưa đáp ứng hết tăng trưởng nhu cầu đang mở ra tiềm năng tăng giá trên thị trường mua bán điện cạnh tranh. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất điện nói chung và đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp có nhiều nhà máy điện tại miền Nam như PV Power.

Đồng thời, tỷ lệ bán qua thị trường cạnh tranh (% sản lượng có thể bán trên thị trường cạnh tranh) cũng sẽ dần mở, từ 10% tổng sản lượng trong năm 2017 lên 15% vào năm 2018 và có thể đạt 30% vào năm 2021, cũng là một yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất điện.

Về diễn biến giá đầu vào, giá than và khí đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2018 (giá khí tăng 42% so với cùng kỳ 2017 và giá than tại Việt Nam cũng tăng), nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), điều này không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của PV Power do lượng mưa vẫn ở mức thấp.

Mặt khác, theo SSI, cơ chế giá hợp đồng mua bán điện (PPA) cho phép chuyển chi phí biến động sang EVN. Thêm vào đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) cũng sẽ đẩy lên cao hơn nếu các nhà máy thủy điện có ít nguồn cung để giảm giá.

Trong năm 2018, SSI ước tính doanh thu của PV Power có thể đạt 34,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017, trong khi lợi nhuận trước thuế (LNTT) ước tính đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 7%.

Trong năm 2019 và 2020, nhà máy Cà Mau 1 và 2 sẽ khấu hao hết, giảm chi phí khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, giá PPA của nhà máy vẫn giữ nguyên cho đến khi kết thúc hợp đồng. Do đó, SSI dự báo, LNTT hợp nhất của PV Power có thể tăng mạnh trong năm 2019 và 2020 khoảng 17% và 27%.

Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 của PV Power đang trong quá trình đánh giá. Nếu có khả năng sinh lời, dự án sẽ khởi công xây dựng bắt đầu vào năm tới và sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2021-2022. Tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.

“Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ước tính là 30%/70%, và vốn chủ sở hữu hiện tại cộng với lợi nhuận giữ lại trong tương lai ước tính đủ để tài trợ cho dự án”, các chuyên gia SSI đánh giá.

Tin mới lên