Tài chính

May Thành Công nới room lên 70%, lợi nhuận quý 2 của Đạm Phú Mỹ giảm 39,6%

(VNF) – May Thành Công dự kiến nới room lên 70%, lợi nhuận quý 2 của Đạm Phú Mỹ giảm 39,6% hay Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) tăng trưởng mạnh sau 5 năm là những thông tin đáng chú ý phát đi từ các công ty chứng khoán.

May Thành Công nới room lên 70%, lợi nhuận quý 2 của Đạm Phú Mỹ giảm 39,6%

Dệt may Thành Công hiện đang trong quá trình đề xuất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho nới room từ 49% lên 70%.

Dệt may Thành Công công bố kết quả kinh doanh 8 tháng

Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm. Kết quả đạt được tiếp tục vượt kỳ vọng với doanh thu thuần giảm nhẹ 1%, đạt 2.084 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 82%, đạt 149 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận gộp đạt 350 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Năm 2017, Dệt may Thành Công lên kế hoạch doanh thu thuần là 3.243 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng trưởng 55%.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Dệt may Thành Công có những yếu tố thuận lợi để hỗ trợ giá cổ phiếu trong năm 2017, bao gồm (1) tái cơ cấu mảng sợi và tăng tỷ lệ sử dụng công suất tại nhà máy may Vĩnh Long sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp; (2) một lô đất tại Long An đã được bán trong tháng 4 và dự kiến sẽ bán tiếp một lô đất khác trong thời gian tới, từ đó ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên; (3) room cho khối ngoại dự kiến sẽ mở trở lại trong quý này (room đã đầy kể từ năm 2011).

Dệt may Thành Công có kết hoạch nới room lên 70% trong Quý 3/2017.

Ngoài ra, HSC cũng cho rằng tỷ suất lợi nhuận sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu cho kết quả khả quan. Hiện tại, Dệt may Thành Công (TCM) đang là cổ phiếu tốt nhất trong ngành dệt may niêm yết.

Công ty có kết hoạch nới room lên 70% trong Quý 3/2017. Sau khi được cổ đông thông qua tại Đại hội cổ đông thường năm năm 2016, Dệt may Thành Công đã sửa đổi đăng ký kinh doanh để đáp ứng các điều kiện cho nới room ngoại. Dệt may Thành Công hiện đang trong quá trình đề xuất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho nới room từ 49% lên 70%. Công ty dự kiến sẽ được Ủy ban thông qua trong Quý 3 năm nay. Room cho khối ngoại của cổ phiếu đã đầy từ tháng 9/2011, do vậy, việc nới room sẽ là yếu tố hỗ trợ cổ phiếu rất tích cực trong ngắn hạn.

Dệt may Thành Công tiếp tục bán lô đất khác tại Long An trong 6 tháng cuối năm và ghi nhận lợi nhuận bất thường. Sau khi bán một lô đất trước đó, công ty này hiện đang đàm phán để bán lô đất thứ hai với tổng diện tích 7 ha tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và thương vụ này bao gồm cả bán nhà máy sợi số 3 được xây dựng trên lô đất này.

Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) tăng trưởng mạnh sau 5 năm

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) là một trong hai công ty dịch vụ ga hàng hóa hàng không duy nhất tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay lớn nhất Việt Nam với hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm, được thành lập từ năm 2008. Vốn điều lệ hiện tại của SCS là 566,42 tỷ đồng, với 49.452.000 cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết.

Hiện tại, nguồn doanh thu chính của công ty đến từ 3 mảng: Dịch vụ xử lý hàng hóa chiếm 92%, Bãi đỗ máy bay chiếm 2% và Cho thuê văn phòng chiếm 6%.

Riêng mảng dịch vụ xử lý hàng hóa, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn hiện đang phục vụ 23 trong số 45 hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm Emirates, Thai Airways, Singapore Airlines và Cathay Pacific.

Tổng công suất của công ty này là 200.000 tấn/năm. Năm 2016, tổng khối lượng hàng hóa là 162.000 tấn hàng hóa quốc tế, đây cũng là loại hàng hóa này mang lại phần lớn lợi nhuận do chi phí dịch vụ cao hơn so với hàng trong nước. Hiện tại, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn đang chiếm khoảng 50% lượng hàng hóa quốc tế đi qua sân bay Tân Sơn Nhất và chiếm khoảng 30% thị trường hàng hóa nội địa (thông qua dịch vụ cho Vietjet Air).

Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn hiện đang phục vụ 23 trong số 45 hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong 5 năm qua, doanh thu của Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn có tốc độ tăng trưởng CAGR là 41% và đạt mức 496 tỷ đồng vào năm 2016. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể trong thời gian này, từ 43% năm 2012 lên 72% vào năm 2016, nhờ chi phí đầu tư cố định ban đầu đã được thanh toán.

Biên lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh nhờ lộ trình trả nợ nhanh chóng đối với các khoản vay ngân hàng. Điều này cho thấy một sự tương phản rõ rệt về kết quả kinh doanh từ mức tăng trưởng âm 59% trong năm 2012 lên mức tăng trưởng dương 55% vào năm 2016. Theo ban lãnh đạo, lợi nhuận của công ty cao hơn so với các công ty quốc tế cùng ngành nhờ chi phí nhân công trong nước thấp. ROE tăng mạnh và ổn định ở mức 35,6% vào năm 2016.

Nửa đầu năm 2017, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn đạt doanh thu 257 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 42%. Mục tiêu doanh thu năm nay là 560 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% và 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16%, dựa trên khối lượng hàng hóa quốc tế tăng trưởng 11%.

Đạm Phú Mỹ công bố kết quả kinh doanh quý 2 không mấy khả quan

Đạm Phú Mỹ ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2/2017 đạt 2.411,79 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 233,35 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Đạm Phú Mỹ, 70% doanh thu đến từ các hàng hóa sản xuất trong nước, còn lại là các sản phẩm nhập khẩu và tự doanh. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2017, Đạm Phú Mỹ đạt 4.328 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 56% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 541 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm.

Biên lợi nhuận 6 tháng đầu năm của công ty tiếp tục giảm mạnh từ 35% xuống còn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Những yếu tố tác động đến biên lợi nhuận của công ty là (1) giá khí thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào chính của công ty tiếp tục tăng mạnh, tăng 45% so với cùng kỳ và kế hoạch, (2) ảnh hưởng của giá phân bón thế giới lên mặt hàng phân bón trong nước, (3) áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành buộc Đạm Phú Mỹ phải điều chỉnh là giá bán và sản lượng.

Tổ hợp dự án NPK – NH3 sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2017.

Tổ hợp dự án NPK – NH3 sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2017 là hoạt động thúc đẩy tăng trưởng chính của công ty này trong thời gian tới. Dự tính, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ sản xuất 250.000 tấn NPK/năm và NH3/năm đống góp hơn 2.000 tỷ vào doanh thu và 300 – 400 tỷ lợi nhuận sau thuế. Dự kiến, thời gian chạy thử nhà máy mới là 99 ngày, các chi phí liên quan (nguyên nhiên vật liệu, nhân công, quản lý,…) trong quá trình thử nghiệm khá lớn. Thêm vào đó chi phí từ việc bảo dưỡng nhà máy khoảng 400 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm của Đạm Phú Mỹ.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang đề nghị phương án sẽ áp thuế VAT đầu ra 5% từ ngày 1/1/2019 đối với các sản phẩm phân bón. Nếu phương án này được thông qua, lợi nhuận Đạm Phú Mỹ ước tính tăng thêm 130 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Ngoài ra, chi phí khấu hao sẽ tăng mạnh khi Đạm Phú Mỹ bắt đầu trích khấu hao nhà máy mới. Khấu hao của Đạm Phú Mỹ giai đoạn 2018 – 2021 được ước tính là hơn 700 tỷ đồng mỗi năm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến biên lợi nhuận gộp của công ty.

Tin mới lên