Nhân vật

‘Me Tư Hồng’, chìm nổi chuyện đời nữ doanh nhân Việt đầu tiên

(VNF) - Lịch sử hình thành tầng lớp thương gia ở Việt Nam hóa ra lại bắt đầu từ một người đàn bà. Người đàn bà ấy lập công ty đầu tiên ở Việt Nam. Người Việt đầu tiên mắc điện thoại riêng tại nhà, người Việt đầu tiên mua xe hơi cũng chính là người đàn bà ấy.

‘Me Tư Hồng’, chìm nổi chuyện đời nữ doanh nhân Việt đầu tiên

‘Me Tư Hồng’, chìm nổi chuyện đời nữ doanh nhân Việt đầu tiên.

Đó là nữ doanh gia lớn nhất của Hà Nội khi nơi đây phát triển trở thành thành phố nhượng địa của Pháp những năm cuối thế kỷ XIX. Đó là cô Trần Thị Lan, sinh năm 1868 trong một nhà nông dân nghèo khó ở Hà Nam. Cô còn có tên gọi là Thím Hồng, Cô Tư Hồng hay phổ biến nhất là Me Tư Hồng.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, dấu vết công cuộc kinh doanh thành công của người đàn bà ấy nay vẫn còn hiện diện ở Hà Nội. Cũng như thế, những đánh giá về người đàn bà này cũng còn đầy những phủ lấp và ngăn cách bởi định kiến xã hội ngặt nghèo từ thời đó.  

Năm 1882, thực dân Pháp tiến đánh lần thứ 2, rồi chiếm đóng toàn bộ thành Hà Nội. Liền sau đó, chính quyền Pháp đã cử Bonnal sang làm công sứ. Sau khi ổn định, Bonnal đã tiến hành quy hoạch lại khu vực hồ Gươm, cho làm con đường lớn từ Khu nhượng địa Đồn Thủy vào thành Hà Nội, chính là phố Tràng Tiền và Tràng Thi ngày nay, rồi tiếp tục cho làm đường xung quanh hồ Gươm, xây dựng tòa đốc lý ở nơi UBND TP Hà Nội bây giờ, xây Nhà Bưu điện, xây Bắc Bộ phủ… Tất cả các công trình xây dựng lớn này đều do các công ty từ Pháp sang, cùng với các nhà thầu người Hoa ở Hà Nội đảm nhận.

Hà Nội chính thức trở thành thành phố nhượng địa vào năm 1888. Từ kinh tế, xã hội đến các giao dịch dân sự đều chiểu theo luật của Pháp, mở ra cơ hội làm ăn lớn cho nhiều người, nhưng chỉ người Pháp và Hoa kiều tận dụng được.

Các công ty Pháp thực hiện hầu hết các công trình từ tiền ngân sách của chính quyền thuộc địa, một số khác mở nhà máy gạch, thuốc lá, rượu… Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng và xuất khẩu gạo là trong tay người Hoa nắm giữ và điều hành.

Bốn năm sau, cuối năm 1892, một người đàn bà mang cái tên đặc An Nam Trần Thị Lan, 24 tuổi, đến tòa đốc lý để nộp hồ sơ xin thành lập Công ty thầu An Nam. Cô Lan thông thạo tiếng Pháp, nắm chắc các điều luật và quy định của chính phủ bảo hộ để trình bày với các quan đốc lý. Các quan cũng không lạ gì, vì đó chính là cô Hồng xinh đẹp mà họ đã gặp lần đầu tiên trong buổi dạ hội nhân Quốc khánh Pháp hồi tháng 7 trong vai bạn gái của quan tư Laglan, thiếu tá hậu cần.

Sau khi thành vợ quan tư Laglan, người ta ghép chức vị của chồng vào trước tên, gọi là cô Tư Hồng. Hà Nội thời đó có nhiều người lấy chồng Tây, nhưng đa số chỉ e lệ, nép vào bóng chồng. Riêng Tư Hồng, vừa duyên dáng lại mạnh mẽ, hiểu biết và rất độc lập. Các quan đốc lý nhanh chóng cấp phép mở công ty theo đúng hồ sơ đề nghị của Tư Hồng.

Lý do cô Tư Hồng xin lập công ty là do cô thấy vào thời điểm này, các nhà thầu cung cấp thực phẩm cho các đơn vị quân đội Pháp đóng trên đất Bắc Kỳ phần lớn là Hoa kiều thực hiện, trong khi chồng cô là người có tiếng nói quan trọng trong đấu thầu việc cung cấp này, không nên bỏ lỡ. Tư Hồng quyết thành lập công ty do cô làm giám đốc để làm ăn. Nhờ tác động của Laglan, công ty đã trúng thầu hợp đồng đầu tiên cung cấp thực phẩm cho đơn vị quân Pháp đóng ở Phúc Yên. Tiếp theo là nhiều hợp đồng khác, trong đó có cả việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trại giam. Từ đó, Tư Hồng bắt đầu tích lũy tiền bạc, trở thành một nhân vật trong giới thượng lưu ở Hà Nội.

Hai năm sau, năm 1894, Tư Hồng trở nên nổi tiếng khắp xứ Bắc Kỳ và toàn cõi An Nam khi trúng thầu hợp đồng rất lớn: Phá dỡ thành Hà Nội.

Theo lịch sử, sau khi thắng quân Tây Sơn năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, cho dời kinh đô vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống thành Bắc Thành, rồi cho phá thành cũ của nhà Lê để xây lại với diện tích nhỏ hơn. Thành mới hình vuông mỗi chiều dài hơn cây số nằm trong thành cũ. Vào thời điểm này, Toàn quyền Đông Dương Lanessan ký với Công ty Bazin hợp đồng chi cho Bazin 60.000 đồng Đông Dương và 90 ha đất để thực hiện việc phá các tường thành xây thời Gia Long. Lý do phá thành thì có nhiều phỏng đoán, có thể là mở rộng đất để đóng quân, để thông thoáng không khí cho lính Pháp thở. Thậm chí, còn có cả đồn đại, là để lấy vàng bạc chôn giấu trước đây…

Bazin được giao nhưng không đứng ra làm mà bán lại gói thầu. Tham gia đấu thầu có 2 công ty Pháp, 2 công ty Hoa kiều. Tư Hồng biết việc này, đã đề nghị thông báo công khai và Công ty thầu An Nam tham gia đấu thầu. Không ai nghĩ cô có thể trúng thầu. Biết mình vốn ít, máy móc không có, nhưng Tư Hồng tính đến nguồn nhân công rất rẻ là những người nông dân, cùng với việc sử dụng số gạch đá cũ của thành dỡ ra đem bán sẽ mang lại số tiền lớn để bù vào. Tư Hồng bỏ thầu giá thấp nhất và thắng.

Để có đủ nhân công, cô về Hà Nam thuê nông dân, thưởng tiền cho ai giới thiệu từ 10 phu trở lên. Cô vào làng rèn Hòe Thị ở Xuân Phương, Từ Liêm đặt làm búa chim và xà beng với giá rẻ, thuê ông Nguyễn Quang Minh có chân trong Hội đồng thành phố, làm xe cút kít. Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, lúc này mới 20 tuổi bắt đầu khởi nghiệp, đã nhận làm thuê cho Tư Hồng việc dựng các lán trại cho phu ở để kiểm soát trật tự, vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh.

Không chỉ tính toán giỏi giang, Tư Hồng còn trực tiếp quản lý và điều hành nhân công hiệu quả. Cô chia phu ra thành nhóm 12 người do một người phụ trách và hợp 4 nhóm thành một đội, chọn người có uy, ăn to nói lớn, cử làm đội trưởng. Công việc giao cho các đội trưởng và đội trưởng phân cho các nhóm.

Cách tổ chức ấy đã cho mọi hoạt động công trường nhịp nhàng, quy củ, dù có lúc có tới cả ngàn phu cùng làm việc. Bắt tay làm năm 1894, hơn 2 năm sau công việc phá thành đã xong, sớm hơn dự kiến 6 tháng.

Số gạch đá thu được, Tư Hồng mang đi xây ngôi biệt thự bề thế ở làng Hội Vũ, xây các dãy nhà ở khu vực Cửa Đông của thành để cho thuê và xây trường Punigier. Còn thừa, cô cho chở về làng lát nền sân đình, chùa. Có những tấm đá xanh, cô thuê thợ làm thành ghế đá lớn đặt bên Hồ Hoàn Kiếm.

Hiện nay, những dấu vết này vẫn đang còn. Ngôi nhà ở ngõ Hội Vũ vẫn thế. Khởi thủy khu vực các phố Đường Thành, Cửa Đông, Hàng Da là từ dãy nhà Tư Hồng xây. Trường Punigier nay là trường Việt Đức. Hai chiếc ghế đá công cộng ở 16 Lê Thái Tổ bây giờ là còn lại từ số ghế đá bằng đá xanh ngày ấy…

Thành công nối tiếp thành công, Tư Hồng tham gia vào việc mua lúa gạo để xuất khẩu, mở rộng cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trại lính và hệ thống nhà tù khắp Bắc kỳ. Tư Hồng còn tham gia cả lĩnh vực kinh doanh vận tải sông, biển. Trên tàu sông, biển của Tư Hồng, chỉ có lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, còn thủy thủ và phục vụ đều là đàn bà.

Thành người giàu có, Tư Hồng nổi tiếng vì làm việc thiện như cứu đói, phát chẩn. Có đợt phát chẩn, cô giết hàng chục con bò, chia mỗi suất một cân gạo cùng một lạng thịt bò, rồi mang phát cho các hộ dân vùng đói một cách ân cần. Cô phát thuốc cho dân tình gặp phải dịch bệnh, cô can thiệp với nhà chức trách đòi giảm án hay tha bổng những người vì nghèo đói mà phạm tội…

Có đợt cả dải đất miền Trung bị cơn bão lớn bất ngờ ập đến, tàn phá tan hoang, rất nhiều người chết, nhà cửa bị cuốn trôi, thóc gạo bị vùi lấp hết. Tư Hồng có mấy tàu chở thóc thu mua trước đó ở vùng Nam miền Trung đang trên đường chở ra Bắc để xuất khẩu, liền đem phát hết cho dân.

Vì việc này mà vua Thành Thái ban cho cô hàm “Ngũ phẩm nghi dân” với biển vàng “Lạc quyên nghĩa phụ”. Sắc phong của vua viết: “Nữ trung phong nhã chi bảo, hồng trần bạt tục. Thế thượng vân lôi cho hội, bạch thủ thành gia”, nghĩa là: “Hào hoa phong nhã bậc nhất chị em, đàn bà khác thường. Gặp thời mây tuôn sấm dậy, tay trắng nên nhà”. Cùng với đó, vua cũng truy phong cho người cha khốn khổ đã mất của cô sắc “Hàn lâm thị độc”. Thật, cũng là mát mặt…

***

Thành công trong kinh doanh, nhưng cô Tư Hồng lại bất hạnh trong đời tư, trải qua ba đời chồng Việt, Hoa, Pháp mà không có con. Cái chết của cô đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn. Ngôi mộ cô hiện vẫn còn ở gần cổng chùa Hai Bà Trưng, trên bia chỉ khắc có ba chữ "Cô Tư Hồng".

Đã có một số sách báo viết về Tư Hồng hoặc có một số trang viết về cô, như truyện “Cô Tư Hồng” của Đào Trinh Nhất, đăng báo 1940, in sách 1941; Tiểu thuyết “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, 1967; Biên khảo “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” của Nguyễn Văn Uẩn, 1993; và cuốn sách “Chuyện kể bên dòng sông Tô” của Nguyễn Công Chí, 2010.

Gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết “Me Tư Hồng” của Nguyễn Ngọc Tiến. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2014, được nhiều đón nhận, đã tái bản vào 2016.

Nguyễn Ngọc Tiến là nhà văn, nhà báo, và còn được kể như một nhà Hà Nội học có chiều sâu và rất tinh tế. Cuốn tiểu thuyết “Me Tư Hồng” của Nguyễn Ngọc Tiến với thể loại, theo anh nói, là tiểu thuyết chân dung, dựa theo cuộc đời Tư Hồng, đã khai thác từ nhiều tư liệu, giai thoại và có những soi rọi mới về những chìm nổi của nữ doanh nhân đầu tiên này gắn với khung cảnh xã hội một thời đã xa xôi, mà hệ lụy và định kiến vẫn còn hắt bóng đến hôm nay.

“Hồng nhan đa truân” là cái số kiếp của Tư Hồng được kể trong tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tiến. Tư Hồng, cùng với Ba Tý và Thị Phượng, là ba người đàn bà đẹp nức tiếng Hà Nội một thời. Vũ Thị Tý là bà chúa Hàng Bạc với động Chuông Vàng, có thân thể mềm mại như mây vờn gió cuốn, hút mọi ánh nhìn, sau thành một cô đồng lẫm liệt trong giới khăn chầu áo ngự. Vương Thị Phượng con gái Hàng Đào, là “Hà Thành tứ mỹ”, “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”, có đôi mắt như chim phượng nửa thức nửa ngủ, mơ màng đắm say và cặp lông mày yên my, mây khói kỳ ảo. Tư Hồng là gái quê, có cặp mắt “nhãn trung hữu thủy”, đàn ông nhìn là như bị hút vào hồ nước trong xanh mà tự khuất phục.

Khi vừa đến tuổi trăng tròn, do cha cô, một ông nông dân rất nghèo làm nghề đánh dậm, đã nợ một khoản tiền lớn, nên lý trưởng ép phải gả cô cho lão làm vợ lẽ. Chính vì Lan đẹp mà lý trưởng tìm cách ngăn duyên, dùng tiền làm bẫy cha cô. Không chấp nhận, Lan trốn ra Nam Định. Cha mẹ Lan chết, lý trưởng bắt em trai Lan làm đầy tớ trừ nợ.

Lan lấy chồng là một trai nghèo, mở quán bán bún xáo trâu cho dân lao động để kiếm sống. Cô canh cánh trong lòng việc giải thoát cho em trai và thờ phụng cha mẹ. Chồng Lan yêu vợ nhưng hèn nhát và thất hứa, không cứu được em nên cô dứt áo bỏ đi.

Lan gặp Hồng là Hoa kiều ở Hải Phòng đưa thuyền về Nam Định mua buôn thóc. Gặp Lan, Hồng mê mẩn ngay, liền chuộc em trai cho Lan và đưa cô ra Hải Phòng ở. Lúc này Lan thành Thím Hồng.

Cuối năm 1890, Hồng phá sản phải trốn về nước. Cô mở hiệu buôn bán tạp hóa nhỏ, gặp một người bạn có chồng Tây là doanh nhân ở Hà Nội xuống chơi. Người bạn rủ cô lên Hà Nội sống. Cô lên Hà Nội, tự học tiếng Pháp, tiếp tục mở quán bán gạo ngoài đê, đi buôn chuyến mạn ngược rồi có dịp gặp quan tư Laglan.

Không biết ai phải lòng ai? Chắc chắn chàng quan tư ngoài ba mươi tuổi chưa lấy vợ vì kén chọn đã bàng hoàng trước vẻ đẹp của cô. Còn cô đã thấy cái hèn của chồng Việt, cái thâm và cái tham của chồng Hoa, mãi mới gặp được một vị sỹ quan Pháp nghĩa hiệp, văn minh, bình đẳng thì thấy đáng cho mình gửi phận. Cô thành Tư Hồng và nên nghiệp kinh doanh từ đây.

Cô Tư Hồng kinh doanh thành giàu, có nghĩa với họ hàng anh em, có nhân với người nghèo, nhưng sao lại không được đề cao? Trong tiểu thuyết, Nguyễn Ngọc Tiến dẫn nhiều chi tiết để ta hiểu là, ngoài cái ghét người giàu nói chung, Tư Hồng còn bị coi khinh bởi chịu hai cái tiếng lớn :

Một, là đàn bà mà dám phá thành cổ của ông cha, mặc dù ai cũng biết, cô không phá thì người khác cũng phá, chẳng thể khác được. Có nhà Nho đã viết như thế này: “Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long/Vượng khí nghìn năm có nữa không/Hai cửa còn trơ hai thánh miếu/Một thành sót lại một hoàng cung/Nhường ngao ngán nỗi công ông Bạch (Mã)/Cũng ghê gớm cho của chị Hồng/Còn biết đâu là nền đế bá/Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long”.

Thứ hai là người ta đồn thổi chuyện cô hút hồn đàn ông, cô lấy nhiều chồng, trong đó có chồng Tây, thành me Tây. Trong lễ đón sắc phong của vua, quan đốc học Hà Nội tặng cô đôi câu đối chữ Nôm; “Ngũ phẩm sắc phong hàm cụ lớn/Ba thuyền tế độ của bà to”, giọng đầy ẩn ý giễu cơt. Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng gửi đôi câu đối chữ Nho: “Có tàn có tán có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh/Nào biển nào cờ sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người”, dưới đó đề ba chữ “chi chi giã”, nói lái thành “cha cha đĩ”. Không chỉ thế, Nguyễn Khuyến còn viết bài ca trù "Đĩ cầu Nôm" để chửi khéo cô.

Với những câu chuyện như thế thì làm sao Tư Hồng tránh được tiếng oan? Chuyện này trong thời mới, thì ta gọi là truyền thông đã “chơi ác”, đã giết chết một thương hiệu lẫy lừng rồi!

Đọc tiểu thuyết “Me Tư Hồng” của Nguyễn Ngọc Tiến, cùng những câu chuyện giai thoại về Cô Tư Hồng - Người đàn bà doanh nhân đầu tiên của nước ta cách đây hơn một thế kỷ, để thấy thời gian đã như nước chảy qua cầu, vừa ngậm ngùi thương cảm, lại thấy may mắn khi những định kiến xã hội nặng nề đã tan mỏng như mây đầu ngõ trong mắt ta vậy… 

Tin mới lên