Bất động sản

‘Méo mặt’ vì xây nhà cho thuê nhưng không có người ở

(VNF) - Trong lúc hàng triệu con người đang phải chui rúc trong những phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện ích thì đáng ngạc nhiên thay, một số dự án nhà ở cho thuê lại đang trong tình cảnh "đắp chiếu, trùm mền" vì không có người ở.

‘Méo mặt’ vì xây nhà cho thuê nhưng không có người ở

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là một trong số các dự án nhà cho thuê phải chịu cảnh ế ẩm hiện nay

Xây nhà cho thuê nhưng không ai thuê

Nhận định về nhu cầu thuê nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đa số các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, nhu cầu hiện nay là rất lớn.

Bởi với số lượng nhập cư lên tới hàng triệu người, trong đó đa phần là lao động phổ thông thu nhập thấp, khả năng mua nhà của họ gần như bằng không. Không mua được nhà thì tất yếu phải đi thuê, và với hàng triệu người đi thuê , tình trạng "cháy" nhà cho thuê tại các thành phố là điều đang hiện hữu.

Để giải quyết tình trạng này, tạo điều kiện an cư cho người lao động, Chính phủ đã chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp địa ốc tham gia phát triển nhà ở cho thuê. Đồng thời cho phép các dự án nhà ở xã hội chuyển từ bán sang cho thuê nhằm tận dụng thế mạnh giá rẻ.

Thực tế cho thấy một số dự án nhà cho thuê đã đạt được mức người ở khá cao. Tuy vậy, cũng có những dự án nằm trong cảnh "con nhện giăng tơ, bụi phủ mờ".

Tại cuộc gặp giữa doanh nghiệp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng do VnREA tổ chức mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần TV- TM – DV Địa ốc Hoàng Quân, không giấu nổi chua xót: "Hoàng Quân là đơn vị hưởng ứng chủ trương làm nhà ở cho thuê của Chính phủ. Chúng tôi có những dự án đăng ký tới 50% cho thuê, nhưng ngay tại TP. Hồ Chí Minh, dù giá rất rẻ, vẫn không có ai thuê".

Ông Tuấn cho biết, hiện giờ các dự án nhà ở xã hội của Hoàng Quân không chỉ kẹt 20% căn hộ thương mại không bán được (vì không có bảo lãnh) mà còn bị kẹt cả 20% căn hộ dành để cho thuê. Với tổng 40% căn hộ không có người ở thì còn đâu là lãi, trong khi tỷ suất lợi nhuận của phân khúc này chỉ là 10%, ông Quân nói.

Cũng chung tình trạng ế ẩm như Hoàng Quân, dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội) hiện cũng đang nằm dài chờ khách. Được xây dựng với quy mô 6 tòa nhà, với sức chứa gần 11.000 sinh viên, thế nhưng đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, dự án chỉ có thưa thớt vài trăm sinh viên vào ở. Còn lại các tòa nhà khác đều trong cảnh cửa đóng then cài.

Một chuyên gia nhận xét, nếu ví phân khúc nhà cho thuê tại các thành phố lớn là "miếng bánh béo bở" thì cả Hoàng Quân và Pháp Vân – Tứ Hiệp đều đã cắn phải "miếng bánh đúc có xương" của thị trường.

Vì sao nên nỗi?           

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), dự án nhà cho thuê muốn có người ở phải đáp ứng hai điều kiện cơ bản là có vị trí phù hợp và thiết kế tương thích với nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Châu cho biết, đối tượng thuê nhà là công chức, viên chức, công nhân, người thu nhập thấp đô thị, người lao động phổ thông… do đó nếu nhà thuê không phù hợp với chỗ làm ăn sinh sống thì dẫu có rẻ cũng không ai đoái hoài.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, bên cạnh vị trí thuận lợi thì giá thành cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của người đi thuê.

"Doanh nghiệp nếu dùng đất vàng làm nhà cho thuê thì chi phí rất cao, không ai chịu nổi, do vậy phải đẩy ra vị trí đất rẻ hơn. Nhưng đất rẻ thì thường xa trung tâm, khó thu hút người đến thuê.

Một số chủ đầu tư chọn cách cắt lãi, giảm giá cho thuê xuống để hút người tiêu dùng, song mức giảm cũng không quá nhiều, so với mặt bằng giá cho thuê của các hộ dân xung quanh cũng không hơn được, do đó, mức cạnh tranh là không cao", ông Đính phân tích.

Căn hộ nhỏ có phải là lối thoát?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận xét, sở dĩ các căn hộ cho thuê ít có người ở vì rộng quá!

"Hiện nay các căn hộ cho thuê đều có diện tích từ 30 – 45 m2, thậm chí 50 – 60m2. Nhưng tôi xin nói 50 – 60m2 thì vô phương, 30m2 cũng vô phương. Nhu cầu của người đi thuê chỉ là các căn hộ dưới 20m2 thôi", ông Đực nói.

Tuy nhiên, ông Đực cho biết, hiện vẫn chưa có quy định về chuẩn dưới căn hộ, do đó, các doanh nghiệp chỉ có thể tự "lách" luật để chẻ nhỏ căn hộ. Ngoài ra, do lo ngại về các rủi ro phát sinh, việc chẻ nhỏ căn hộ cũng chỉ có thể làm thí điểm chứ không dám phát triển đại trà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh như Lê Thành, Thiên Phát… đang làm rất tốt các dự án nhà ở cho thuê với diện tích căn hộ 19 – 20m2.  "Các dự án này kín người rất nhanh, vì không chỉ có vị trí tốt mà còn có thiết kế phù hợp với nhu cầu của người dùng và giá thành rẻ", ông Châu cho biết.

Nhận xét về việc phát triển căn hộ cho thuê có diện tích nhỏ (dưới 20m2), ông Nguyễn Văn Đính cho rằng đó cũng là một phương hướng, tuy nhiên, việc chẻ nhỏ căn hộ lại sẽ khiến dân số tại các dự án gia tăng, gây sức ép lên hạ tầng và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý và vận hành.

Tin mới lên