Ngân hàng

Mở lối đi cho Ngân hàng Quốc dân

(VNF) – Với việc hé lộ cổ đông chiến lược nước ngoài, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Hồng Phương làm người đứng đầu ban điều hành, lối đi thoát khỏi bế tắc hiện tại đang hé mở với Ngân hàng Quốc Dân.

Mở lối đi cho Ngân hàng Quốc dân

NCB đang có những động thái chuẩn bị thực chất cho tiến trình lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài

Chỉ trong 2 tuần gần đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã công bố 2 thông tin quan trọng, hé lộ cổ đông chiến lược nước ngoài và bổ nhiệm người đứng đầu ban điều hành.

Cụ thể, phía NCB cho biết, hiện ngân hàng và đối tác - là một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ - đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng của phương án đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi chính thức mời đàm phán với các nhà đầu tư được lựa chọn vào danh sách ngắn.

Cùng với đó, ông Lê Hồng Phương được bổ nhiệm giữ cương vị Quyền Tổng giám đốc NCB trong thời gian ngân hàng thực hiện thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chính thức chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Hồng Phương. Việc bổ nhiệm này có ý nghĩa lớn bởi gần 1 năm nay, "ghế" Tổng giám đốc của NCB vẫn để trống kể từ khi NCB chấp thuận cho ông Đào Trọng Khang được từ nhiệm vào ngày 1/9/2016.

Ngân hàng Quốc dân (NCB), tên cũ là Ngân hàng Nam Việt (Navibank), là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém thời điểm năm 2011 buộc phải tái cơ cấu, và là 1 trong 2 ngân hàng duy nhất tự tại cơ cấu, trong khi 7 ngân hàng còn lại phải hợp nhất, sáp nhập, thậm chí NHNN phải mua lại với giá 0 đồng.

Xét rõ hơn nữa, NCB có lẽ là ngân hàng duy nhất thực sự tự tái cơ cấu, bởi TPBank có sử dụng sự giúp sức từ cổ đông chiến lược bên ngoài là Tập đoàn DOJI và ông Đỗ Minh Phú.

5 năm gần đây, hoạt động trụ cột tín dụng – đầu tư của NCB khá lẹt đẹt. Nếu như năm 2012, mảng này đem về 732 tỷ đồng thu nhập lãi thuần cho NCB thì sang năm 2013, thu nhập lãi thuần giảm mạnh chỉ còn 596 tỷ đồng và nhích lên 600 tỷ đồng vào năm 2014.

Sang năm 2015, hoạt động này mới có chút khởi sắc khi đem về 762 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Năm 2016, con số tăng lên 952 tỷ đồng, đồng nghĩa tăng khoảng gần 200 tỷ đồng; thế nhưng, chi phí hoạt động của NCB thậm chí còn tăng mạnh hơn (trên 200 tỷ), bào mòn toàn bộ thành quả tăng trưởng của mảng tín dụng – đầu tư.

So sánh với TPBank, năm 2012, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ vỏn vẹn 274 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều NCB. Sang năm 2013, thu nhập lãi thuần tăng hơn gấp đôi, lên 597 tỷ đồng. Con số tiếp tục tăng lên 979 tỷ đồng vào năm 2014, 1.402 tỷ đồng vào năm 2015. Năm 2016, mức thu nhập lãi thuần của TPBank đã lên đến 2.120 tỷ đồng.

Điều gì tạo ra sự khác biệt?

Sau thời gian dài tự tái cơ cấu, NCB đang tìm kiếm nguồn lực tài chính từ bên ngoài

Căn bản nhất là khác biệt về vốn. Năm 2011, NCB và TPBank cùng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Thế nhưng năm 2012, với sự tham gia của DOJI và ông Đỗ Minh Phú, vốn điều lệ của TPBank tăng lên 5.550 tỷ.

Lượng vốn bơm thêm giúp TPBank sẵn sàng chấp nhận lỗ nặng năm 2011 để xử lý nợ xấu và "nhẹ chân" bước tiếp trong những năm tiếp theo. Đồng thời, vốn điều lệ 5.550 tỷ cũng cho phép TPBank được tăng mạnh hoạt động tín dụng – đầu tư mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn.

Trong khi đó, với NCB, không có nguồn lực tài chính từ bên ngoài, ngân hàng này phần nào rơi vào bế tắc và luẩn quẩn: không sớm xử lý rốt ráo được nợ xấu, cũng không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng – đầu tư do vướng các chỉ tiêu về an toàn vốn, lợi nhuận theo đó lẹt đẹt, kéo theo khả năng trích lập dự phòng kém, thời gian xử lý nợ xấu tiếp tục kéo dài.

Một số bằng chứng có thể kể đến. Nếu như năm 2013, dư nợ tín dụng của NCB thậm chí còn cao hơn 12% so với TPBank thì sang năm 2014, tình hình đảo chiều khi dư nợ tín dụng của NCB chỉ bằng 84% của TPBank. Đến năm 2016, dư nợ của NCB chỉ bằng hơn phân nửa của TPBank.

Về nợ xấu, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017, nợ xấu nội bảng của NCB đến hết ngày 30/6/2017 là 608 tỷ đồng, chiếm 2,2% dư nợ tín dụng. Đáng chú ý, nợ xấu ngoại bảng tại VAMC ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng (hồi đầu năm là 5.821 tỷ đồng). Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của NCB hiện lên đến gần 20%.

Tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể còn lớn hơn nữa nếu tính đến lượng nợ xấu tiềm ẩn trong các khoản phải thu và lãi dự thu. Hiện tổng các khoản phải thu và lãi dự thu của NCB giữ ở mức khá cao 4.993 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng tài sản.

Sử dụng nguồn tài chính bên ngoài dường như là lối đi duy nhất của NCB để vượt qua sự bế tắc và luẩn quẩn hiện tại.

Dự kiến, NCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm từ các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Hành trình mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, với việc ông Lê Hồng Phương, người từng đảm nhiệm cương vị Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Vận hành kiêm Phó Ban Chiến lược và phát triển Ngân hàng, trở thành Tổng giám đốc NCB, cùng với những động thái chuẩn bị thực chất cho tiến trình lựa chọn cổ đông chiến lược, lối đi đang dần hé mở với Ngân hàng Quốc Dân.

Tin mới lên