Bất động sản

Mở rộng kho bãi, dịch vụ hậu cần để phát triển hiệu quả logistics Hải Phòng

(VNF) - Với mức tăng trưởng hàng hóa qua cảng khoảng 10% như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa cảng biển Hải Phòng sẽ đạt được lượng hàng qua cảng lên đến 200 triệu tấn. Điều này đặt ra thách thức cho khối cảng biển của thành phố trong quá trình phát triển. Một trong những yêu cầu để phát triển cảng phải kèm theo hệ thống kho bãi, tạo hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ quá trình khai thác cảng cũng như mở rộng các hoạt động logistics tại Hải Phòng…

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong tổng số 296 bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam, Hải Phòng có 52 bến cảng (chiếm khoảng 1/4 số bến cảng cả nước) gồm các khu bến: Hải Phòng, Vật Cách, Đình Vũ, Đoạn Xá, Chùa Vẽ, Lạch Huyện…

Với việc có thêm nhiều tuyến dịch vụ hàng hải mới, nhu cầu về kho bãi tại Hải Phòng ngày càng tăng mạnh. 

Nhận thấy nhu cầu lưu container rỗng và hàng hóa tăng lên, nhiều doanh nghiệp kho bãi đã hình thành và phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp cảng khai thác, kinh doanh.

Hiện tại, Khu công nghiệp Đình Vũ là địa điểm lý tưởng để phát triển kho bãi hoặc cảng cạn (ICD), tiếp nhận chủ yếu lượng container rỗng của các hãng tàu lớn như: Chân Thật Phương Đông, G-Fotune… Số lượng kho bãi liên tục được mở rộng nếu các doanh nghiệp được khu công nghiệp hỗ trợ.

Như Công ty CP Sao Á DC hiện có 1 depot với diện tích hơn 150.000m2 với sức chứa 12.000 teus container và các thiết bị nâng hạ hiện đại; đang tiếp tục liên doanh, liên kết để mở rộng diện tích và khai thác container rỗng từ các tàu.

Còn Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, các bến số 1, 2 tại Lạch Huyện có khả năng khai thác 1,2 triệu teus container/năm, sau hơn 3 năm khai thác, công suất bãi đạt hơn 50%. 

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đánh giá doanh nghiệp khai thác kho bãi hỗ trợ các doanh nghiệp cảng phát triển đồng bộ, có chiều sâu và mở rộng cơ hội liên kết phát triển logicstics. Tuy nhiên, một số đơn vị kinh doanh khai thác cảng đã đầy tải tại các bãi hậu phương (sau cảng), phải tổ chức thuê hoặc liên kết với đơn vị khác.

Với việc cảng liên tục mở các tuyến dịch vụ mới cùng các tàu mẹ xuyên đại dương trong thời gian gần đây, chỉ 2-3 năm nữa, bãi tại đây sẽ đầy tải, cần được mở rộng thêm… với các đơn vị khai thác cảng cạn (ICD) làm nơi lưu giữ container, chủ yếu là container rỗng.

Cảng biển Hải Phòng thuộc nhóm cảng số 1A, trong tương lai sẽ đạt lượng hàng qua cảng lên đến 200 triệu tấn.

Không chỉ vậy, đến năm 2025, tại khu bến Lạch Huyện sẽ có thêm 4 bến cảng nước sâu gồm 2 bến của Công ty CP Cảng Hải Phòng, 2 bến của Tập đoàn Hateco với công suất hơn 2 triệu teus/năm, lượng kho bãi hiện nay sẽ không đáp ứng đủ lượng hàng thông qua.

Lượng container qua cảng tăng đồng nghĩa với việc Hải Phòng sẽ đón lượng container rỗng khổng lồ, đòi hỏi các doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp kho bãi và hãng tàu phải liên doanh, liên kết. Được biết, hiện mỗi doanh nghiệp kho bãi đang hoạt động tại khu vực Đình Vũ liên doanh liên kết với khoảng 20 hãng tàu.

Tới đây, khi các tuyến dịch vụ ngày càng được mở rộng vượt đại dương, lượng hàng hóa sẽ tăng cao kèm theo lượng container rỗng. Bài toán về kho bãi sẽ khó có lời giải nếu như không có sự chuẩn bị trước.

Theo quy hoạch phát triển cảng biển Hải Phòng, việc mở rộng các kho, bãi tại Hải Phòng hỗ trợ phát triển dịch vụ sau cảng được tập trung tại Đình Vũ và đảo Cát Hải. Cho đến nay, khu vực Đình Vũ đang ưu tiên phát triển kho bãi, depot đa dạng, diện tích về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp cảng hàng các hãng tàu. Nhưng nếu lượng hàng tiếp tục tăng cao như những năm gần đây, sự quá tải các kho bãi không thể tránh khỏi.

Tháng 6/2022 vừa qua, các bãi Chân Thật Phương Đông và GFotune quá tải khiến xe phải chờ cả ngày mới xếp xong container rỗng, khi Hiệp hội vận tải Hải Phòng lên tiếng mới cải thiện được phần nào. Song lượng hàng qua cảng tiếp tục tăng cao, lượng container rỗng ngày càng nhiều, vấn đề hàng hóa ùn ứ, ách tắc tại cảng vẫn xảy ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho rằng, nhu cầu kho bãi, depot sau này sẽ rất lớn, mở rộng và phát triển là yêu cầu bắt buộc. Nhưng trước hết, các đơn vị kho bãi phải tận dụng năng lực hiện có, áp dụng quy trình điều hành tiên tiến và nhất là thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng và đồng bộ, có như vậy mới giải quyết được yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn. Đồng thời liên doanh, liên kết mở rộng, phát triển thêm kho bãi, depot, vừa làm nơi chứa hàng, vừa chứa container rỗng.

Phát triển logistics Hải Phòng giai đoạn 2025-2030 theo hướng hiện đại, bền vững, nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, có vai trò quốc tế là mục tiêu thành phố đang hướng đến.

Cùng với các dịch vụ là lựa chọn địa bàn có lợi thế trên cơ sở xác định đúng quy mô, địa điểm phù hợp với từng thời kỳ, giảm thiểu chi phí dịch vụ. Một trong những ưu tiên của thành phố là xây dựng hệ thống dịch vụ logistisc gắn với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp và hệ thống giao thông.

Trong đó, dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và hỗ trợ phương thức vận tải, chi phí chiếm khoảng 20% tổng chi phí logistics trên địa bàn thành phố. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các trung tâm logistics, phát triển kho bãi, dịch vụ hậu cần sau cảng, cảng cạn ICD trên các tuyến hành lang giao thông sẽ đóng vai trò tiên quyết để phát triển hiệu quả logistics Hải Phòng trong tương lai…

Theo tiêu chí của Nghị định 76/2021/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại cảng biển và Quyết định số 804/QĐ-TTg, cảng biển Hải Phòng không chỉ đạt mà còn vượt xa tiêu chí xếp loại cảng biển đặc biệt của Chính phủ.

Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, thành phố về thu hút, tạo điều kiện phát triển cảng cùng với sự đầu tư không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng.

Ngoài hệ thống cơ sở vật chất như nâng hạ, kiểm soát và phương tiện, hệ thống bến bãi của các doanh nghiệp cảng cũng đang được đầu tư mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong tình hình mới.

 

Tin mới lên