Tiêu điểm

Mở rộng Quốc lộ 1A: 8 tỉnh ‘rủ nhau’ sai phạm gần 1.900 tỷ đồng

(VNF) - Bằng việc tự ý bổ sung hạng mục ngoài danh mục cho phép, lập tăng cao về đơn giá, định mức, khối lượng và chi phí đền bù… 8 tỉnh thành đã "thổi" cho tổng mức vốn đầu tư dự án "phồng" thêm 1.900 tỷ đồng.

Mở rộng Quốc lộ 1A: 8 tỉnh ‘rủ nhau’ sai phạm gần 1.900 tỷ đồng

Mở rộng Quốc lộ 1A, tổng vốn đầu tư bị "mở rộng" thêm 1.900 tỷ đồng

Theo văn bản Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký gửi Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện kế hoạch thanh tra tài chính, năm 2015, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 8 dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1A sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tại 8 tỉnh thành gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

8 dự án tại 8 tỉnh, thành trên có tổng chiều dài 438 km (chiếm 54,9% chiều dài toàn tuyến) với tổng mức đầu tư 27.832 tỷ đồng (chiếm 52,2% tổng mức đầu tư được phê duyệt).

Kết quả thanh tra đã phát hiện công tác lập, phê duyệt tổng mức đầu tư ở 8 dự án này chưa chính xác, số tiền lên đến 1.867 tỷ đồng.

Trong đó, sai phạm do bổ sung một số hạng mục công trình chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 192,6 tỷ đồng. Do lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công không đúng 330,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, sai phạm do dự toán lập có khoản phụ cấp không ổn định sản xuất 10% chưa đủ căn cứ pháp lý 122,4 tỷ đồng. Nghiệm thu thanh toán tăng không đúng 274,1 tỷ đồng và sử dụng khoản kinh phí dự phòng chi hỗ trợ tái định cư chưa đủ căn cứ pháp lý 237 tỷ đồng.

Nâng cao đơn giá, khối lượng, chi phí

Đó là cách mà các đơn vị quản lý vốn đầu tư đã sử dụng để nâng cao số tiền chi cho dự án.

Cụ thể, đối với việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư tăng cao hơn so với chế độ quy định tổng số tiền 1.321,9 tỷ đồng, trong đó, lập tăng cao khối lượng và đơn giá hơn 396 tỷ đồng; lập tăng cao chi phí giải phóng mặt bằng hơn 567 tỷ đồng; tăng cao về khối lượng và đơn giá đối với chi phí dự phòng khối lượng và các chi phí khác, hơn 115 tỷ đồng; tăng cao về khối lượng và đơn giá đối với chi phí dự phòng trượt giá, hơn 222 tỷ đồng.

Đặc biệt, các tỉnh thành cũng không thực hiện điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư (do giảm quy mô và mục tiêu của dự án) số tiền gần 545 tỷ. 

Ngoài việc lập tăng cao chi phí như trên, một số tỉnh còn tự ý lập, thẩm định và phê duyệt các hạng mục ngoài danh mục chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng số tiền tự ý phê duyệt ngoài luồng này là 192 tỷ đồng.

Cụ thể, đoạn qua tỉnh Quảng Trị bổ sung một số hạng mục: đầu tư xây dựng tăng cường mặt đường, cải tạo, mở rộng nút giao, sửa chữa cầu cũ vào dự án trị giá 186 tỷ, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Còn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi, phê duyệt điều chỉnh nút giao thông Đồng Văn cao hơn dự toán đã phê duyệt 5,7 tỷ.

Ngoài ra, việc phê duyệt chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư chưa đủ cơ sở số tiền gần 5.1869 tỷ. Về nguyên tắc, việc lập dự phòng trượt giá này phải qua sự thẩm định của Bộ Xây dựng, nhưng ở đây, Bộ Xây dựng cũng đã bị phớt lờ.

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra thêm, việc phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp không đúng quy định về đơn giá, định mức, khối lượng và chưa điều chỉnh giảm dự toán, so với thực tế chênh nhau hơn 300 tỷ.

Dự toán phê duyệt khoản phụ cấp không ổn định sản xuất 10% cũng chưa đủ căn cứ pháp lý với số tiền 122 tỷ. Việc ký hợp đồng kinh tế các gói thầu xây lắp cũng như nghiệm thu thanh toán các gói thầu này tăng hơn so với quy định 590 tỷ đồng.

Thêm vào đó, hơn 451 tỷ đồng tiền ngân sách trung ương tạm ứng và 110 tỷ hỗ trợ cho các địa phương để xây dựng các khu tái định cư, đến thời điểm thanh tra, vẫn chưa được quyết toán. 

"Trách nhiệm trong việc để xảy ra các sai phạm trên thuộc về các Ban quản lý dự án đại diện Chủ đầu tư quản lý và thực hiện dự án, đơn vị tư vấn thiết kế và các nhà thầu thi công", Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.

Rà soát để giảm trừ tổng mức đầu tư

Từ những kết luận trên, trong công văn của mình, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý và đơn vị liên quan dự án rà soát để điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư số tiền gần 1.900 tỷ; trong đó do lập tăng không đúng về khối lượng, định mức, đơn giá số tiền 1321,9 tỷ, do giảm quy mô và mục tiêu của dự án 544,9 tỷ.

Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm giá trị dự toán do lập tăng không đúng quy định về khối lượng, định mức và đơn giá tại 8 dự án với số tiền 330 tỷ đồng; giảm trừ giá trị hợp đồng kinh tế các gói thầu xây lắp với số tiền 316 tỷ đồng và giảm trừ giá trị nghiệm thu thanh toán các gói thầu 274 tỷ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Giao thông làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc hỗ trợ chênh lệch chi phí xây dựng khu tái định cư và thu hồi số tiền Bộ Tài chính đã tạm ứng 237 tỷ; đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện quyết toán nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ 110 tỷ và thu hồi tạm ứng 451 tỷ xây dựng các khu tái định cư.

Bộ Giao thông vận tải cũng được đề nghị làm việc với Bộ Xây dựng để ban hành định mức sản xuất bê tông nhựa cho phù hợp, xem xét khoản phụ cấp không ổn định sản xuất 10% trong đơn giá tiền lương…

Tin mới lên