Diễn đàn VNF

Mỏ sắt Thạch Khê sẽ triển khai khi 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa'

Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê là việc cần thiết để phục vụ phát triển đất nước, nhưng khai thác mỏ này vào lúc nào và hệ lụy đối với môi trường tự nhiên, cũng như xã hội ra sao là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Mỏ sắt Thạch Khê sẽ triển khai khi 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa'

Mỏ sắt Thạch Khê.

Trả lời báo giới, GS-TS Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam nêu quan điểm thận trọng trong vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ông Thuận nói:

"Khu vực mỏ sắt Thạch Khê phía Đông giáp biển với đường bờ biển hơn 10 km, phía Tây giới hạn bởi sông Hạ Vàng là sông nước lợ mặn. Đất đai chủ yếu là đất cát và cồn cát; trong đó chứa tầng nước ngầm ngọt.

Theo thiết kế kỹ thuật của dự án mỏ sắt Thạch Khê, khối lượng chất thải từ đây đổ ra môi trường xung quanh là rất lớn, gồm đất đá thải và nước thải mỏ, chưa kể rác thải và nước thải sinh hoạt của công nhân. Khối lượng đất đá thải gồm gần 195 triệu m3 đổ vào bãi thải Bắc, hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải Nam, đến cao trình 50 m ở giai đoạn 1 và đạt đến 90 m trong giai đoạn 2.

Với tổng khối lượng đất thải rất lớn thì dải đồi đất đá bãi thải Bắc sẽ gây ra vấn nạn bụi cát vào mùa gió Lào khô nóng trên vùng đất Thạch Hà; cát trôi, cát chảy vào mùa mưa, nhất là mưa bão, sẽ đổ về khu dân cư Bắc Hải ở phía Đông và đồng ruộng ở phía Tây của xã Thạch Bàn.

Sau khi đổ đầy các bãi thải trên đất liền, đất đá thải sẽ được đổ ra biển với tổng khối lượng gần 172 triệu m3. Đây sẽ là bãi đổ đất đá thải mỏ ra biển lớn nhất Việt Nam, làm thay đổi cân bằng của quá trình tương tác giữa biển và đới bờ. Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển sẽ gây ra nhiều hậu quả như: thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía Bắc và phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái biển ven bờ, biến dạng ngư trường,…

Cùng với đó là vấn đề đổ nước thải mỏ ra biển. Thông thường nước thải của một khu mỏ khai thác quặng kim loại bao giờ cũng chứa nhiều chất độc hại đối với môi trường, lại đi kèm quặng sắt trong thời gian cả đời dự án 52 năm, thì tác động tích lũy gây ra thảm họa môi trường trên vùng biển ven bờ Hà Tĩnh là vấn đề lớn.

Hơn nữa là vấn đề nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà. Thực tế cho thấy, từ khi Công ty cổ phần sắt Thạch Khê mở moong, liên tục đào sâu và bơm hút nước mỏ đổ ra biển, thì mực nước ngầm tại đây hạ thấp. Dự báo rằng, nếu moong mỏ xuống sâu hàng trăm mét, mở rộng gấp 4-5 lần và tháo khô moong mỏ thì nước mặn từ biển Đông và từ phía sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát. Điều này khiến đất đai ở đây sẽ dần bị nhiễm mặn, do vậy thảm thực vật tự nhiên tàn lụi dần; các cây trồng nông nghiệp cũng không phát triển được…"

GS-TS. Đặng Trung Thuận. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

- Vậy ông có nhận định thế nào về hiệu quả kinh tế của dự án này?

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên dải cồn cát ven biển thuộc địa phận huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam, quặng sắt nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu từ âm 8 mét đến âm 550 mét, có chỗ còn sâu hơn. Quặng thuộc loại giàu, chất lượng tốt, nhưng chứa hàm lượng kẽm tương đối cao, là một trở ngại cho luyện kim.

Quặng sắt Thạch Khê thuộc loại hình quặng biến chất tiếp xúc trao đổi, hoàn toàn không giống kiểu quặng vỉa than trầm tích ở các mỏ than Quảng Ninh; đá vây quanh quặng lại là đá cacbonat, có thể hình thành những hang chứa nước, khi bị tác động có thể gây tai nạn do bục nước.

Cùng với đó, do tầng đất phủ dày, cấu thành từ cát bở rời lẫn ít sét, nên khi mở moong lộ thiên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ ổn định bờ mỏ, nhất là đối với tầng gần mặt đất, trên mực nước ngầm nếu không đảm bảo góc dốc của bờ mỏ (khoảng 30 độ). Vì vậy, để hạn chế dòng cát đổ xuống mỏ, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã xây dựng bờ bao xung quanh mỏ bằng vật liệu đất cát, sét; gia cố bờ mỏ bằng vật liệu sét. Công việc này càng làm tăng cao giá thành sản phẩm quặng khai thác và giảm hiệu quả kinh tế tương ứng. 

Hay liên quan đến chống ngập và tháo khô mỏ, toàn bộ quặng sắt mỏ Thạch Khê nằm dưới mực nước biển đến độ sâu âm hơn 500 mét và dưới mực nước ngầm của cồn cát ven biển. Khi mở moong lộ thiên thì nước ngầm và nước mưa đều đổ vào đây, nhất là vào thời kỳ mưa bão đổ vào miền Trung, thì moong mỏ sẽ bị ngập sâu.

Để tháo khô mỏ cần xây dựng hệ thống hố khoan sâu quanh bờ mỏ để bơm hút nước hoặc thoát nước cưỡng bức bằng trạm bơm công suất lớn. Khi khai thác xuống sâu hàng trăm mét phải lập những trạm bơm trung gian để bơm hút nước theo cấp. Đối với điều kiện ở mỏ Thạch Khê, những giải pháp kỹ thuật này khả thi, nhưng đòi hỏi đầu tư lớn, do vậy giá thành sản phẩm quặng khai thác tăng và giảm hiệu quả kinh tế tương ứng.

Ngoài ra, giá thị trường quặng sắt thế giới năm 2015 là 45 USD/tấn, năm 2016 giảm xuống còn 40 USD/tấn. Trong khi đó, giá thành sản xuất quặng sắt ở mỏ Thạch Khê theo dự án khai thác từ mức 50 USD/tấn trở lên. Xét tổng thể, thời gian trước mắt, dự này chưa thể đem lại hiệu quả kinh tế.

- Bộ Công Thương đã có ý kiến ủng hộ việc khởi động lại dự án còn quan điểm của ông thì thế nào?

Mỏ sắt Thạch Khê chiếm dụng 3.887 ha đất, gây tác động nhiều mặt đến môi trường và xã hội của 6 xã thuộc huyện Thạch Hà. Điều tôi lo ngại là giải tỏa, đền bù, tái định cư. Đó là vấn đề cần được nghiêm túc xem xét khi khai thác. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa được rõ và ảnh hưởng môi trường như đã được phân tích.

Tôi đưa ra 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê. Thứ nhất, nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro, nguy cơ tác động đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường. 

Thứ hai, chấm dứt hoạt động, chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Phương án này giúp tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (khoảng 1.589,59 tỷ đồng).

Thứ ba, tiếp tục tạm dừng hoạt động của dự án, cho đến khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương thức xử lý tốt; khi các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục, giải quyết được vấn đề tái định cư, định canh của người dân trong khu vực. Khi nào chúng ta đảm bảo dự án thực sự có lãi và hội tụ đủ các điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì có thể tiếp tục.

Khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, Thủ tướng Chính phủ căn dặn rằng không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt. Đây là phương án được chọn đối với mỏ Thạch Khê.

- Nếu dự án này được triển khai, thì theo ông cần giải pháp quản lý, giám sát như thế nào để không ảnh hưởng môi trường và đạt hiệu quả về kinh tế cao nhất?

Chắc chắn là cần sự phối hợp chặt từ các Bộ, ngành và cả chính quyền địa phương. Nhưng đó là chuyện khi dự án được cho phép tái khởi động. Lúc đó, sẽ cần có sự quan trắc, khảo sát việc sụt lở, xây dựng bãi thải, đưa công nghệ vào như thế nào và phải giám sát việc thực thi của đơn vị khai thác…, cả vấn đề về tái canh, tái cư cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng dự án cũng phải được xem xét và thực hiện một cách nghiêm túc.

Tin mới lên