Công nghệ

'Mobile Money là mảnh đất cằn cỗi, mảnh đất màu mỡ thì ngân hàng đã cày xới hết'

(VNF) - Theo bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá, trong khi mảnh đất màu mỡ ngân hàng đã cày xới hết.

'Mobile Money là mảnh đất cằn cỗi, mảnh đất màu mỡ thì ngân hàng đã cày xới hết'

Bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone.

Phát biểu tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” tổ chức ngày 11/5, bà Phạm Minh Tú cho biết trong những năm vừa qua, các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số rất nhanh, điều này sẽ cạnh tranh rất mạnh với Mobile Money.

Theo bà Tú, ở Việt Nam, việc triển khai Mobile Money chậm hơn thế giới khoảng 20 năm, thời điểm vàng triển khai Mobile Money đã qua. Cách đây 20 năm, số lượng người sử dụng ngân hàng rất là ít và lợi thế của di động, khi đó cung cấp dịch vụ Mobile Money mới là lợi thế.

Nói về các hạn chế trong quá trình triển khai Mobile Money tại Việt Nam, bà Tú cho rằng hạn mức của Mobile Money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều.

Một điểm khó khăn nữa theo bà Tú là điểm kinh doanh. Mobile Money sẽ tốn chi phí, nguồn lực. Việt Nam đang có 13,5% tổng lượng giao dịch trên thị trường dùng tiền mặt nhưng lại chiếm tới hơn 80% số lượng giao dịch. Điều này chứng tỏ giao dịch tiền mặt tại Việt Nam rất nhiều. Đa phần là giao dịch nhỏ lẻ thì đây sẽ là đối tượng khách hàng của Mobile Money.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Trong khi mảnh đất màu mỡ ngân hàng đã cày xới hết.

Nêu kiến nghị, đề xuất để phát triển dịch vụ Mobile Money, bà Tú cho rằng cần phải cho phép các nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để việc đăng ký không sai so với chứng minh thư nhân dân cũ.

Bà Tú cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có những công cụ hỗ trợ nhà mạng tuyên truyền rộng rãi, cũng như có những chính sách mở tài khoản Mobile Money cho toàn dân để sử dụng dịch vụ công, tài chính công.

Đại diện MobiFone cũng đề xuất cho phép liên thông giữa các nhà mạng để có thể trở thành hệ sinh thái của Việt Nam; cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới trên Mobile Money và không nên giới hạn Mobile Money chỉ là dịch vụ thanh toán với hạn mức nhỏ.

Cũng nêu kiến nghị tại hội thảo này, đại diện Viettel đề xuất đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động (Mobile Money). Để tiền di động vừa là phương thức vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân; kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống. 

Bên cạnh đó, cần dưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước; hướng tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích. 

Phía Viettel cũng kiến nghị các cơ quan báo chí, truyền thông cùng phối hợp, triển khai các hoạt động để thúc đẩy, định hướng nhận thức người dân về lợi ích của tiền di động nói riêng, của tài chính số và chuyển đổi số trong kinh tế nói chung. Xây dựng cái nhìn chân thật, gần gũi, dần xóa bỏ tâm lý nghi ngại cho người dân về xã hội số và cuộc sống không tiền mặt; thúc đẩy phổ cập thanh toán số nhanh chóng. 

Đối với ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động, Viettel cho rằng cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, từ đó mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số. Để mọi người dân, ở mọi vùng miền trên tổ quốc ngày càng nhận được nhiều giá trị làm lợi của nền kinh tế không tiền mặt, từ đó có động lực để sử dụng và dần chuyển đổi thói quen chi tiêu trong đời sống hàng ngày. 

Còn về phía VNPT, nhà mạng này kiến nghị xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại, đồng thời không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile money (do tại thời điểm đăng ký mới của dịch vụ di động, nhà mạng đã thực hiện định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động).

VNPT cũng kiến nghị cho phép khách hàng sử dụng Mobile money của các nhà mạng thực hiện thí điểm có thể chuyển/nhận tiền với nhau; cho phép doanh nghiệp thí điểm có thể mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền nhưng có tiềm lực về kinh doanh dịch vụ Mobile money và đáp ứng được các quy định quản trị để có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới kinh doanh đến các khu vực vùng sâu, vùng xa đáp ứng mục tiêu phát triển mạng lưới phục vụ khách hàng tại các khu vực này.

Đối với hoạt động phát triển điểm chấp nhận thanh toán, VNPT kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thí điểm có thể ký kết hợp tác trực tiếp với các đơn vị/ tổ chức trung gian khác trên thị trường như các ngân hàng, trung gian thanh toán… để tận dụng được lợi thế về sẵn mạng lưới của các đơn vị này trên thị trường, nhanh chóng tạo được môi trường thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ Mobile money.

Tin mới lên